Và đây chính là một trong những nguyên do tại sao trong suốt thời gian qua, tất cả các cuộc đình công đều diễn ra không hợp pháp.
Khi cán bộ công đoàn là “tay trong” của doanh nghiệp
Trong quan hệ lao động, CĐCS là một bên trong thương lượng, là đối tác bình đẳng với người sử dụng lao động (NSDLĐ), đồng thời thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ).
Nhưng qua thực tế cho thấy, hoạt động của CĐCS tại các doanh nghiệp chưa hiệu quả, do đó những bức xúc, đề nghị của NLĐ không được giải quyết khiến họ mất niềm tin vào CĐCS. Không những thế, Chủ tịch CĐCS hầu hết đều kiêm nhiệm và hưởng lương từ NSDLĐ, lệ thuộc vào NSDLĐ về kinh tế và quản lý lao động nên rất ngại va chạm.
Hiện nay NLĐ sẽ không tin tưởng CĐCS khi cơ cấu của Ban Chấp hành CĐCS có nhiều người tham gia là quản lý cấp trung. Những người quản lý tham gia Ban Chấp hành CĐ không bao giờ muốn tổ chức đình công, thậm chí, họ sẽ trở thành “tay trong” của doanh nghiệp để cản trở đình công. “Còn nếu Chủ tịch CĐ là cán bộ cấp cao của doanh nghiệp thì chắc chắn CĐ không lãnh đạo đình công được”- bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn -Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) nhận định.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, khi xảy ra tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể về lợi ích, phải trải qua hai thủ tục hòa giải bắt buộc mất khá nhiều thời gian (thời gian chuẩn bị nhanh nhất để có thể tổ chức đình công kể từ ngày phát sinh TCLĐ tập thể về lợi ích là 20 ngày làm việc, tương đương với 28 ngày tính theo lịch). Khi mà những bức xúc, mâu thuẫn của tập thể lao động đã lên đến đỉnh điểm, rất cần phải giải quyết nhanh chóng thì thời gian hòa giải lại kéo dài khiến NLĐ không thể chờ đợi thủ tục hòa giải mà tiến hành ngừng việc tập thể luôn.
Pháp luật cản trở đình công đúng luật?
Bên cạnh những bất cập trên, khi đề cập đến những hạn chế của pháp luật, tại Báo cáo khảo sát tình hình đình công tại Việt Nam từ 2013-2016, nhóm nghiên cứu của Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) đã chỉ rõ, với quan niệm đình công xảy ra là không tốt, đình công ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nên Nhà nước đã ban hành các quy định không phải để cho đình công được diễn ra mà để hạn chế đình công. Chính vì vậy mà 23 năm qua không có bất kỳ 1 cuộc đình công nào là hợp pháp, là đúng trình tự quy định.
Không chỉ vậy, Bộ luật Lao động chỉ quy định hành động đình công mà chưa quy định quyền của NLĐ được phép ngừng việc để phản đối NSDLĐ vi phạm các quy định của pháp luật. Vô hình trung đã đưa các cuộc ngừng việc phản đối của NLĐ trở thành đình công không đúng trình tự của pháp luật.
Ở một góc độ khác, pháp luật quy định cho CĐCS quá nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ vượt quá khả năng của CĐCS như thương lượng tập thể, đại diện NLĐ tham gia tố tụng tại tòa án, tổ chức và lãnh đạo đình công. CĐCS không thể và gần như không có khả năng thực hiện hiệu quả, thực chất trên thực tế các chức năng trên.
Trong khi đó, mặc dù Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức CĐ, tuy nhiên luật lại chưa quy định cụ thể về hình thức, nội dung, chủ thể, trình tự, thủ tục để người lao động đề nghị CĐ cấp trên tổ chức và lãnh đạo đình công cũng như cách thức thực hiện quy định này, dẫn đến việc NLĐ tại các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS không thể đình công đúng luật.
Như vậy, từ các quy định của pháp luật và thực tế ngừng việc, đình công thời gian qua cho thấy, để NLĐ và tổ chức CĐ có thể tổ chức đình công đúng quy định của pháp luật là điều không thể thực hiện được trên thực tế.
Chuyển vai trò lãnh đạo đình công cho công đoàn cấp trên cơ sở
Giải quyết bất cập này, nhiều chuyên gia đã đề cập đến vai trò của CĐ cấp trên trong các vụ đình công, theo đó cần chuyển vai trò lãnh đạo đình công cho CĐ cấp trên cơ sở, vì cấp này hội tụ đầy đủ điều kiện về vật chất, nhân lực, trình độ. “CĐ cấp trên cơ sở không phụ thuộc vào NSDLĐ, do vậy mới lãnh đạo đình công được”- ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang nói.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất phải có cơ chế cho phép những cán bộ CĐ là đảng viên được phép đứng ra tổ chức và lãnh đạo đình công. Cụ thể hơn, để đảm bảo tổ chức và lãnh đạo đình công được diễn ra đúng trình tự và hiệu quả, theo nhóm nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức CĐ cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia tổ chức và lãnh đạo đình công. Có thể tổ chức theo khu vực (trong nội bộ tỉnh), theo vùng (một số tỉnh gần nhau), toàn quốc (của Tổng Liên đoàn) để linh hoạt, nhanh chóng trong tổ chức và lãnh đạo đình công.
Đối với các hoạt động thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đình công thì CĐCS không trực tiếp thực hiện mà ủy quyền cho CĐ cấp trên thực hiện và chỉ tham gia với vai trò cung cấp thông tin, thực hiện các hoạt động theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của CĐ cấp trên...