Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày
Theo Dự thảo, Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến phương tiện cơ giới nước ngoài, do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch. Trong đó, phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động; xe mô tô hai bánh.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng điều kiện sau: Phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện. Dự thảo nêu rõ, thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng, phương tiện cơ giới nước ngoài được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày. Phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công an.
Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài, yêu cầu phải là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này; có Giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực; có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô).
Về phía người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài, yêu cầu là công dân nước ngoài; có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam; có Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển.
Ngoài ra, phương tiện cơ giới nước ngoài phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật Hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh. Người điều khiển phương tiện phải làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phương tiện cơ giới nước ngoài chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận.
Phải có phương tiện đi trước để dẫn đường
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ quy định việc người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam.
Cụ thể, phải có phương tiện đi trước để dẫn đường cho phương tiện cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Phương tiện dẫn đường là xe ô tô (nếu khách du lịch mang xe ô tô) hoặc xe mô tô (nếu khách du lịch mang xe mô tô) do doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.
Phải tham gia giao thông trong phạm vi tuyến đường và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ Công an.
Đồng thời, khi điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam, mang theo và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam; Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với xe ô tô); Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam; Chứng từ tạm nhập phương tiện (Tờ khai hải quan phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất).
Dự thảo cũng quy định, người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của Nghị định này.