Bảo đảm quyền được TGPL cho người được TGPL, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này (khoản 1 Điều 71), cụ thể như sau:
Thực hiện TGPL bào chữa cho người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngưởi bị hại, Bộ luật quy định: Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước (Điều 71).
Chỉ định Trung tâm TGPL nhà nước bào chữa cho người thuộc diện được TGPL nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa trong các trường hợp: khi bị can, bị cáo về tội với mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi (Điều 76).
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự) được Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (Điều 83, Điều 84). Tương tự, người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng được TGPL theo quy định tại khoản 1 Điều 56 và khoản 1 Điều 71 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là những người tham gia tố tụng nêu trên chỉ được TGPL khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL (khoản 1 Điều 30 Luật TGPL).
Ví dụ: Chị A (người thuộc hộ nghèo) tố giác B (người khuyết tật có khó khăn về tài chính) có hành vi xâm hại tình dục con của mình là C (người thuộc hộ nghèo, trẻ em). Căn cứ vào Luật TGPL (Điều 7), Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 55, Điều 71) xác định: B, C là người thuộc diện được TGPL; tham gia tố tụng với tư cách người bị tố giác và người tố giác; vụ việc cụ thể có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của B, C. Kết quả: B, C được Trung tâm TGPL nhà nước cử người bảo vệ miễn phí trong giải quyết tin tố giác, nếu khởi tố vụ án và khởi tố bị can thì tiếp tục bào chữa cho B là bị can và bảo vệ cho C là bị hại trong vụ án; chị A tuy là người thuộc diện được TGPL nhưng do không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình nên không TGPL cho chị A (trường hợp chị A tố giác xâm hại tình dục đối với mình thì chị A được TGPL).
Như vậy, xác định vụ việc TGPL trong tố tụng hình sự cần thỏa mãn đầy đủ 03 điều kiện: (1) Là người được TGPL; (2) Vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; (3) Tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 55).
Bảo đảm quyền được TGPL cho người được TGPL khi tham gia tố tụng hình sự, không những nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, mà người bào chữa/bảo vệ còn sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.