Là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy báo chí, ông có thể cho biết một vài nét trong “bức tranh”: báo chí - smartphone - mạng xã hội hiện nay?
- Báo chí và các phương tiện truyền thông mới hiện nay có mối quan hệ chặt chẽ. Đó là mối quan hệ tương hỗ, cùng tồn tại và phát triển. Báo chí cần mạng xã hội để tìm kiếm, chuyển tải thông tin và tiếp cận người dùng; trong khi đó, mạng xã hội cần báo chí để định hình và tiếp cận sản phẩm. Để hoạt động kết nối các bên một cách “trơn tru”, hiệu quả cần một trung gian, một phương tiện, một “gạch nối”, “gạch giữa” các bên chính là smartphone.
Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, báo chí đã có những biến đổi nhưng chưa có thời đại nào báo chí lại có những biến đổi nhanh chóng và khác biệt như hiện nay. Smartphone đã tạo ra một phương thức sản xuất thông tin mới - “tin tức trên đầu ngón tay” và tạo ra một nền báo chí “chạm” rất đặc trưng.
Chỉ kể riêng việc ra đời các dạng tác phẩm báo chí sáng tạo đã cho thấy sự tác động rất “khủng khiếp” của công nghệ. Ở đây dường như smartphone đã phần nào là chỉ dẫn, thậm chí chế định hình thức thể hiện của tác phẩm báo chí. Vì thế, loại phương tiện này cũng là “tiêu chuẩn” hoạt động để báo chí hướng đến.
Ngoài ra, việc tiếp cận công chúng qua các hình thức dịch vụ thông tin, quảng bá, tiếp thị nội dung, nhà báo vừa là người sản xuất nhưng cũng phải có tinh thần kinh doanh, tinh thần “bán báo”, cơ quan báo chí cũng cần làm dịch vụ… là những thay đổi đến từ sự cạnh tranh của mạng xã hội.
Dự báo đến 2026, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam ước đứng thứ hai Đông Nam Á, thuộc top nhiều nhất thế giới? Điều này có những tác động như thế nào đối với cơ quan báo chí và người làm báo?
- Rõ ràng là có những thuận lợi và thách thức đối với hoạt động báo chí khi sử dụng smartphone trong tác nghiệp. Trước hết, từ phía nhà báo có những thuận lợi và thách thức sau:
Thứ nhất, smartphone có thể dùng để sản xuất tin tức, thay cho rất nhiều thiết bị khác (quay phim, chụp ảnh, ghi âm, biên tập âm thanh, hình ảnh, soạn thảo văn bản,…). Nó cũng là phương tiện phù hợp để tìm kiếm, kết nối với các nguồn tin để nhà báo tìm thông tin, tư liệu phục vụ viết bài, sản xuất tin tức. Đây cũng là phương tiện để nhà báo có thể quảng bá, tiếp thị và xuất bản sản phẩm của mình đến người dùng, công chúng.
Thứ hai, smartphone có thể dùng để tác nghiệp trong một số tình huống/hoàn cảnh đặc biệt rất hiệu quả mà các phương tiện khác khó có thể đạt được như tình huống phản ứng nhanh (đưa tin về các sự kiện đám cháy, thảm họa tự nhiên, sự kiện thể thao), tình huống đặc thù về không gian (các cuộc biểu tình, tình trạng khẩn cấp hoặc sự kiện diễn ra ở nơi khó tiếp cận), tình huống yêu cầu phản ánh thời gian thực (trong trường hợp phản ánh trực tiếp ngoài hiện trường như mưa lũ, giao tranh), tình huống cần tương tác với độc giả (tương tác trực tiếp với độc giả qua mạng xã hội hoặc ứng dụng trò chuyện trực tuyến, tạo mối quan hệ và nhận phản hồi từ độc giả), sự kiện xảy ra ngoài sự kiện được dự kiến (sự kiện quan trọng xảy ra ngoài kế hoạch và không có trang thiết bị chuyên dụng tại chỗ), phỏng vấn ngay lập tức (khi cần phỏng vấn người tham gia sự kiện ngay lập tức mà không có phương tiện chuẩn bị trước) hoặc sự vụ điều tra bí mật…
Tuy vậy, nhà báo sử dụng smartphone để tác nghiệp cũng có những hạn chế nhất định. Đó là rào cản bởi quan niệm, một số người cho rằng smartphone là chưa đủ tầm để sản xuất tin tức. Nhiều nhà báo chia sẻ khi tác nghiệp bằng smartphone, khi phỏng vấn thì nhân vật của họ cảm thấy không được tôn trọng, họ tỏ vẻ không hợp tác, có trường hợp không trả lời phỏng vấn, vì thiết bị “quá nhỏ” không thể hiện độ “hoành tráng” của báo chí. Ngoài ra, chất lượng thiết bị và các ứng dụng chưa đáp ứng chuyên nghiệp, khó sử dụng cho các chương trình, tác phẩm lớn…
Ngoài ra, công nghệ luôn phát triển, đặc biệt là thiết bị di động có những thay đổi rất nhanh chóng, việc am hiểu kỹ thuật của smartphone để có thể sử dụng tốt công cụ này trong quá trình sản xuất và chuyển tải thông tin cũng là một vấn đề lớn.
TS. Phan Quốc Hải dạy làm báo bằng điện thoại di động cho học viên. |
Trước “sức ép” của mạng xã hội và sự thay đổi trong phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc khi smartphone phổ cập, báo chí phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Rõ ràng báo chí phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh công chúng/người dùng/khách hàng đã hầu như sử dụng smartphone để tiếp cận thông tin và giao tiếp xã hội. Hãy nhớ smartphone đã trở thành vật bất ly thân và thế hệ sinh ra đời trong bối cảnh hiện nay được gọi là “phono sapiens”, người mới trưởng thành cùng chiếc smartphone trong nền văn minh kỹ thuật số, coi smartphone là một phần không thể thiếu của cơ thể.
Vì thế, ở phương diện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tất cả các loại hình báo chí đều phải lấy “tiêu chí smartphone” làm điểm tựa, trước đây là “mobile first” (đầu tiên là điện thoại di động) thì nay là “mobile only” (tất cả là điện thoại di động).
Lấy ví dụ, các chương trình truyền hình hay phát thanh truyền thống được phát trên các kênh sóng với các tiêu chuẩn chuẩn khi xây dựng chương trình như sắp xếp các tác phẩm theo trật tự, lớp lang, tuyến tính, rất khó để công chúng tiếp cận thông tin theo sở thích, theo nhu cầu một cách nhanh nhất theo tính cá nhân hoá. Thì nay với cách tiếp cận thông tin qua smartphone của công chúng, cách thức xây dựng chương trình của nhà đài cũng phải thay đổi: tháo rời chương trình thành tác phẩm hoặc cắt tác phẩm thành các clip nhỏ, ngắn, sau đó đưa lên các app của nhà đài để công chúng dễ dàng tiếp cận qua thiết bị đầu cuối là smartphone để làm tăng tính sinh động của chương trình.
Hoặc các tờ báo in, khi in ra bằng sản phẩm giấy, trên mỗi tác phẩm (hoặc các tác phẩm chủ lực của mỗi số báo) cũng kèm theo mã QR hoặc các biểu tượng để người đọc dùng smartphone quét mã chuyển đến các hình thức tác phẩm đa phương tiện hoặc bản điện tử dễ thao tác trong quá trình đọc, tiếp nhận thông tin. Thậm chí các tờ báo in vừa phải in báo giấy vừa phải xuất bản báo giấy điện tử trên nền tảng web (bằng hình thức file PDF) để người dùng đọc báo giấy qua smartphone.
Sinh viên báo chí Huế hào hứng trải nghiệm làm báo bằng smartphone. |
Cơ quan báo chí, người làm báo cần làm gì để thích ứng với những thực tế trên, thưa ông?
- Theo tôi, để thích ứng với bối cảnh làm báo bằng thiết bị di động nói chung, smartphone nói riêng, điều cần trước hết là thay đổi đổi nhận thức về cách làm báo, nói như Vellinga (nhà báo người Hà Lan): “Điều đầu tiên họ phải làm là quên đi quy trình làm việc cũ của mình. Có rất nhiều đồ dùng họ đã quen thuộc như máy quay, laptop, hay công cụ ghi âm, những thứ không thực sự tương thích với iPhone”.
Tiếp đến là nhà báo phải tiếp tục tự đào tạo, tự thích ứng và am hiểu sâu hơn về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và các ứng dụng trên thiết bị di động để sử dụng tốt hơn công cụ này, nếu “nội dung là vua” thì “kỹ thuật cũng phải là nữ hoàng”. Và một điều cần thiết nữa là, nhà báo cũng cần phải ý thức rằng, smartphone vốn là phương tiện để liên lạc, khởi nguyên của nó không phải là công cụ để làm báo, nên không nhất thiết đòi hỏi ở nó những chức năng như các công cụ chuyên dụng, hãy sử dụng nó trong các tình huống/hoàn cảnh phù hợp thì sẽ mang lại hiệu quả cao.
Đối với các cơ quan báo chí, theo tôi, để phát triển và thích ứng với cách làm báo mới, tất nhiên trong đó có một phần của làm báo di động, thì trước hết là xây dựng chiến lược sản xuất và phân phối nội dung số, trong đó, lấy “điểm tựa” chính là sản xuất nội dung số và phương tiện, hình thức, cách thức là kênh/phương tiện di động. Bên cạnh đó, phải thay đổi mô hình toà soạn từ hội tụ sang mô hình toà soạn số để vận hành nhanh chóng các khâu trong sản xuất và phân phối nội dung. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần đầu tư vào thiết bị, công nghệ để thích ứng với bối cảnh số hiện nay. Để dài lâu hơn, chúng tôi cũng nghĩ rằng, đào tạo nguồn nhân lực làm báo theo đúng chuẩn và đúng môi trường làm báo mới cũng là nhiệm vụ cấp thiết để các cơ quan báo chí theo kịp với sự phát triển và xu thế thông tin hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!