Đề án điều chỉnh giá điện năm 2011 do Bộ Công Thương xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận chiều qua. Tuy nhiên, thay vì phê duyệt phương án tăng giá bán điện bình quân năm 2011 lên 18% theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng chỉ cho phép tăng lên 15,28% so với giá bình quân thực hiện năm 2010, thời gian áp dụng từ ngày 1/3.
Như vậy, so với giá bán bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh, với mức tăng lần này, giá điện đã tăng thêm gần 160 đồng/kWh, lên mức 1.220 đồng/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh giá điện, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán cụ thể biểu giá bán lẻ cho từng đối tượng, khu vực theo quy định của nhà nước.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mức tăng giá điện như trên đã được Chính phủ căn cứ trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc điều chỉnh giá điện, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, đây là mức tăng kỷ lục nhất từ trước tới nay trong lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh theo chủ trương của Chính phủ. Năm 2010, giá điện chỉ tăng 6,8% so với năm 2009, còn năm trước đó giá điện cũng chỉ tăng 8,92%.
Giữa tuần qua, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực lý giải nguyên nhân của việc tăng giá điện lần này, trong đó mục đích chủ yếu vẫn là thực hiện giá theo cơ chế thị trường và thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành điện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, do điện là yếu tố đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất trong nền kinh tế nên những tác động của việc tăng giá điện là không hề nhỏ.
Theo VnEconomy