Đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và công trình trọng điểm đường dây truyền tải điện 500kV mạch 3 xuyên 9 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên, động thổ thi công gần như cùng một thời điểm. Đây là 2 dự án lớn của 2 ngành trong vòng 3 - 5 năm trở lại đây, thể hiện rõ tinh thần đó.
Một bước dài… 3 năm
Còn nhớ bối cảnh đất nước đầu những năm 1990 khi bước vào thời kỳ đổi mới, các nguồn điện lớn đều tập trung ở miền Bắc, với các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí và các Thủy điện Thác Bà, Hòa Bình... Trong khi cả 2 miền Trung, Nam lúc đó tổng công suất điện chỉ trên 1.000 MW, nhưng nhu cầu năng lượng cho phát triển ở đây rất lớn.
“Ba dự án đường dây 500 kV mạch 1, 2 và 3 đều thể hiện tầm nhìn xa và tinh thần “đi trước một bước” của lãnh đạo Đảng và Chính phủ nói chung và ngành Điện nói riêng trong chặng phát triển đi lên của đất nước gần 30 năm qua. Nhưng, sự đột phá và có tính lịch sử đối với ngành Điện Việt Nam nói chung, lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam nói riêng chính là công trình thế kỷ đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1”, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch EVNNPT.
“Chủ động trước tình hình nói trên nên chỉ sau 2 năm thi công thần tốc, đến tháng 5/1994, đường dây 500 kV mạch 1 đã hoàn thành, đóng điện vận hành. Lần đầu trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam có trục 500 kV chạy từ Bắc vào Nam, với chiều dài gần 1.500km. Công trình minh chứng cho tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, với phương châm ngành Điện “đi trước một bước”, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết.
Từ “trục xương sống” quan trọng này, điện cấp vào miền Trung tăng thêm 43%, đồng thời cũng đáp ứng được hơn 30% nhu cầu điện của miền Nam… Tiếp đó, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 dài gần 1.600 km cũng hoàn thành, đảm bảo truyền tải 500 kV Bắc - Nam có 2 mạch song song, tạo thế liên kết vững chắc, an toàn cho lưới điện quốc gia. Giữa năm 2014, EVNNPT tiếp tục vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, tạo nên 3 mạch đường dây liên kết lưới truyền tải 2 miền Trung - Nam.
Có thêm nguồn điện, khu vực phía Nam với nhiều trọng điểm kinh tế ngày càng phát triển, phụ tải và tỷ lệ điện thương phẩm không ngừng tăng. Do đó, một lần nữa cảnh báo về nguy cơ thiếu điện được nhắc tới, và nó có thể xảy ra nếu không sớm đầu tư thêm hạ tầng lưới điện.
“Tăng cường năng lực truyền tải của lưới 500kV qua liên kết các miền, đồng thời cung ứng điện cho miền Nam trước dự báo hệ thống điện miền Nam sẽ không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng trong tương lai gần là điều cấp bách phải đặt ra. Đó chính là tiền đề để xuất hiện đường dây 500 kV mạch 3, liên kết lưới truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung, qua đường dây xuyên 9 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên”, Chủ tịch EVNNPT giải thích về sự ra đời của dự án.
Rõ ràng trong trường hợp này, tinh thần “đi trước một bước” của ngành Điện thể hiện khá rõ, đúng vai trò một ngành kinh tế - kỹ thuật góp phần “dẫn động” cho phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, để khởi công được dự án nói trên vào cuối năm 2018, trước đó 3 năm, công tác nghiên cứu Dự án mạch 3 đoạn Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku, đã được tiến hành giữa EVNNPT và Viện Năng lượng.
Đến nay, sau hơn 20 tháng thi công trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết miền Trung - Tây Nguyên và dịch bệnh Covid-19, những đoạn đầu tiên của Dự án 500kV mạch 3 sắp sửa hoàn thành để đóng điện.
Cả xã hội sát cánh mở đường
Giống như hạ tầng lưới điện, 3 năm trước, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đọan 2017 - 2020, dài hơn 650km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 120.000 tỷ đồng.
Khí thế “đi trước mở đường” hừng hực không chỉ ở các đơn vị làm công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông mà nhanh chóng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong đó có các doanh nghiệp trên thị trường xây lắp, bởi đây là dự án lớn nhất ngành Giao thông trong vòng 5 năm trở lại đây sau khi Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) hoàn thành đưa vào khai thác.
Rất nhiều nhà thầu lớn là doanh nghiệp uy tín ngành Giao thông và doanh nghiệp quân đội có mặt ở dự án đầu tiên đoạn Cam Lộ - La Sơn, thể hiện sự sát cánh của toàn xã hội đối với sự nghiệp “đi trước mở đường” của ngành Giao thông.
Cùng với đó, là mục tiêu 300km cao tốc ở ĐBSCL năm 2025, khi hiện nay, rất nhiều dự án quan trọng như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… đã và đang vào giai đoạn chuẩn bị, thi công với hy vọng sẽ là động lực để vựa lúa, vựa thủy sản và trái cây của cả nước phát triển nhanh, mạnh trong tương lai.
“ĐBSCL hàng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản cho cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 12% /năm - cao hơn bình quân cả nước. Nhưng, mạng lưới đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai. Để đáp ứng yêu cầu phát triển ở đây, ngành Giao thông nói chung và cá nhân chúng tôi nói riêng càng thấy rõ giá trị câu nói giao thông “đi trước một bước” vì sự phát triển”, ông Trần Văn Thi - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ GTVT), chia sẻ.
“Hơn 60 năm làm nhiệm vụ mở đường bảo vệ, phát triển đất nước, Bộ đội Trường Sơn dường như đã là một phần của lịch sử ngành Giao thông, nên hiểu rõ tinh thần “đi trước mở đường”. Trong thời bình, là doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, việc “đi trước một bước” của chúng tôi chính là sự chủ động về nguồn nhân lực, thiết bị kĩ thuật… để khi “ra trận” mở đường, Trường Sơn phải là những mũi thi công tinh nhuệ, có kỉ luật. Những dự án cao tốc lớn như La Sơn - Túy Loan, Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45)…, chúng tôi đều hành động trên tinh thần đó. Trường Sơn còn cùng với ngành Điện “đi trước một bước” ở các dự án thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình mở rộng”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.