Tuyên bố của ông Zeman được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi chính phủ Séc gây ra một “cuộc chiến trục xuất” với Moscow khi nói rằng họ nghi ngờ rằng hai điệp viên Nga bị buộc tội đầu độc chất độc thần kinh ở Anh vào năm 2018 cũng đứng sau vụ nổ ở Séc năm 2014 khiến hai người thiệt mạng.
Moscow đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong cả hai sự kiện.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng về vụ việc, Tổng thống Zeman cho biết, có hai giả thuyết. “Chúng tôi đang xem xét hai giả thuyết - giả thuyết thứ nhất là có một vụ nổ do xử lý chất nổ không tốt và giả thuyết thứ hai cho rằng đó là hoạt động của một cơ quan tình báo nước ngoài,” ông nói trong bài phát biểu được phát trên Truyền hình Prima.
Ông nói: “Tôi xem xét cả hai lý thuyết này một cách nghiêm túc và tôi mong muốn chúng được điều tra kỹ lưỡng.”
Theo Hãng tin TASS dẫn thông tin trong bài phát biểu, Tổng thống Séc Milos Zeman cho biết: "Tôi có thể tuyên bố rằng báo cáo của Cơ quan Thông tin An ninh nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy hai đặc vụ này [những người Nga bị buộc tội liên quan đến vụ việc - TASS] đã có mặt tại kho đạn ở Vrbetice.”
Nghi ngờ về vai trò của hai điệp viên nước ngoài trong vụ nổ kho đạn năm 2014 ở Vrbetice đã nổi lên trong những tuần qua. Tuy nhiên, Tổng thống Sec cho biết: “Cơ quan Thông tin An ninh chưa bao giờ đề cập đến sự cố ở Vrbetice trong 6 năm qua.”
Dù vậy, ông Zeman lưu ý rằng, không nên nói rằng nghi ngờ về sự liên quan của hai điệp viên nước ngoài trong vụ việc là không nghiêm trọng. "Đầu tiên, chúng ta nên trả lời câu hỏi họ thực sự đang làm gì ở đây. Thứ hai, việc không chứng minh được sự đồng lõa của họ trong vụ việc không có nghĩa là họ không vào cơ sở của kho Vrbetice…”, ông lưu ý.
Tổng thống cũng không loại trừ rằng vụ bê bối với sự cố ở Vrbetice có thể là một trò chơi của các cơ quan tình báo. Trong trường hợp này, Cộng hòa Séc có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 17/4, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết, có cơ sở nghi ngờ về sự tham gia của cơ quan tình báo quân đội Nga trong các vụ nổ mà không công bố bất kỳ giả thuyết nào khác liên quan đến vụ nổ. Cùng ngày, hai công dân Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov - những người mà chính quyền Séc tuyên bố có liên quan đến vụ nổ kho đạn năm 2014 ở làng Vrbetice của Séc - đã bị tuyên bố là những người bị truy nã
Sau đó, vào tuần trước, Chính phủ Séc đã trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga và các nhân viên đại sứ quán khác mà họ xác định là gián điệp. Séc cũng yêu cầu thêm 63 nhà ngoại giao và nhân viên Nga rời đi vào cuối tháng 5, để đưa nhân sự đại sứ quán Nga ở Praha ngang hàng với đại sứ quán Séc ở Moscow.
Việc trục xuất nói trên tác động đáng kể đến cơ quan ngoại giao của Nga ở Séc – vốn là phái bộ nước ngoài lớn nhất Praha trong nhiều thập kỉ qua.
Moscow đã trả đũa bằng cách ra lệnh trục xuất 20 nhà ngoại giao và nhân viên Séc, đồng thời yêu cầu phía Séc cắt giảm khoảng 90 nhân viên hỗ trợ người Nga làm việc tại đại sứ quán Séc và một khu phức hợp bao gồm khách sạn cho du khách Séc đến Moscow.
Cuộc khủng hoảng này kéo theo việc một loạt nước Baltic và Slovakia cũng trục xuất nhân viên ngoại giao Nga để “bày tỏ tình đoàn kết với Séc”.