Hội đồng phim Hàn Quốc (KOFIC), một tổ chức hỗ trợ quảng bá phim Hàn Quốc tại nước ngoài, kể từ năm 2012 đã mở một gian hàng tại hội chợ phim bên lề LHP quốc tế Bắc Kinh. Năm ngoái, khoảng 20 hãng phim Hàn Quốc đã tham dự gian hàng của KOFIC, cung cấp thông tin về công nghệ hậu kỳ của Hàn Quốc, mà nhu cầu tại Trung Quốc đang rất cao.
Tuy nhiên, vào ngày 15/3 vừa qua, KOFIC cho biết hoạt động này năm nay không thể diễn ra do “những e ngại về vấn đề an ninh”. Ông Han Sang-hee, Giám đốc quảng bá KOFIC cũng cho biết thêm về việc không tổ chức hội nghị hợp tác sản xuất phim Hàn – Trung, thường diễn ra mỗi năm bên lề sự kiện LHP.
“Chúng tôi đang tìm các biện pháp khác để hỗ trợ các nhà làm phim Trung Quốc và Hàn Quốc nếu họ muốn hợp tác cùng nhau”, ông Han nói, nhưng từ chối đưa ra giải thích chi tiết hơn về lý do hủy bỏ hội nghị.
Động thái này dẫn đến nhiều câu hỏi trong giới truyền thông và công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc vì phim Hàn cũng vắng mặt trong số 500 bộ phim tham dự LHP quốc tế Bắc Kinh năm nay, giữa lúc quan hệ Seoul – Bắc Kinh đầy căng thẳng quanh việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ đặt tại Hàn Quốc.
Mặc dù các nhà tổ chức LHP khẳng định việc chọn phim hoàn toàn không mang tính chính trị, nhưng một nhà phát hành phim lớn của Hàn Quốc cho biết phim của ông đã bị từ chối: “Chúng tôi nhận được một email thông báo về việc phim không được mời tham dự kèm theo lời xin lỗi. Nhưng bạn chẳng thể nói được gì, bởi điều đó xảy ra trước khi LHP chính thức khai mạc”.
Cũng không một ngôi sao Hàn Quốc nào đến tham dự sự kiện. Sự thiếu vắng phim Hàn, các hoạt động bên lề và cả sao Hàn năm nay tạo nên một sự đối lập hoàn toàn so với LHP năm ngoái, khi mà nơi đây quy tụ hàng loạt tên tuổi lớn như của điện ảnh Hàn Quốc như Lee Min-ho, Kim Woo-bin...
Ji Chang-wook trong phim Hoa ngữ Thiếu nữ toàn phong |
Kể từ tháng 10 năm ngoái, không một ngôi sao Hàn Quốc nào có được giấy phép hoạt động tại Trung Quốc. Diễn viên Ha Jung-woo, dự kiến sẽ xuất hiện trong một phim Trung Quốc bên cạnh nữ diễn viên Trương Tử Di, hay đạo diễn Kim Ki-duk, đã ký hợp đồng làm một phim Trung Quốc với ngân sách lớn, đều không được cấp visa vào nước này để làm việc.
Năm ngoái, không một phim Hàn Quốc nào được chiếu tại Trung Quốc, mặc dù lượng phim nước ngoài đổ bộ thị trường này nhiều hơn bao giờ hết. Truyền thông và điện ảnh Hàn Quốc đều cho rằng những điều này chỉ có thể xuất phát từ động cơ chính trị.
Các nhà quan sát nhận định, quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đang phát đi tín hiệu báo động.
“Nếu không có một phim Hàn nào tham gia thì chúng tôi chắc chắn rằng có động cơ chính trị đằng sau đó”, đại diện một hãng phim Hàn Quốc lên tiếng. “Tuy nhiên, LHP Bắc Kinh là một sự kiện còn non trẻ. Chúng tôi sẽ chờ xem LHP quốc tế Thượng Hải sẽ đối xử thế nào với phim Hàn Quốc. Đó sẽ là thước đo chính xác mức độ căng thẳng chính trị song phương, bởi LHP này vốn có một mối quan hệ rất mật thiết với các hãng phim Hàn Quốc”, ông nói thêm.
Park Min-young trong phim Cẩm Y dạ hành |
Trong khi đó, Showbox, một hãng phim Hàn Quốc đặt tại Bắc Kinh từ năm 2015 để hợp tác với phía Trung Quốc thì cho biết họ đang kiên nhẫn chờ đợi. “Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc trên các dự án cũ đang triển khai. Chúng tôi hy vọng kết quả sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai gần”, bà Jung Soo-jin, giám đốc Showbox cho biết.
“Kịch bản tồi tệ nhất chỉ diễn ra nếu khán giả Trung Quốc quay lưng với phim Hàn. Ngay cả khi quan hệ ngoại giao có tốt đẹp mà không có khán giả thì cũng xem như thất bại. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy phim điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc vẫn đang được đông đảo khán giả Trung Quốc đón nhận. Đó là một điều tuyệt vời”, bà nói.