“Điểm mặt” những vụ tai nạn đường sắt thảm khốc

“Điểm mặt” những vụ tai nạn đường sắt thảm khốc
(PLO) - Sáng 15/9 vừa qua, tại huyện Multan, tỉnh Punjab, miền Trung Pakistan đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khi một tàu hỏa chở khách đâm vào một tàu chở hàng. Ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương trong vụ tai nạn này. 

Báo PLVN xin điểm lại những vụ tai nạn đường sắt lớn đã từng xảy ra trên khắp thế giới...

Theo một nguồn tin cảnh sát, tàu chở khách đang trên đường từ thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan tới thành phố cảng miền Nam Karachi, đã đâm vào tàu chở hàng khoảng 15 phút sau khi rời nhà ga Bucch ở Multan. Vụ va chạm này đã khiến đầu máy và 4 toa của tàu chở khách bị trật khỏi đường ray. 

Trên thế giới, đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Ngày 22/1/1915, tại Scotland, một đoàn tàu trở khách đâm vào một đoàn tàu chở binh lính tại Gretna khiến 600 người thiệt mạng. Năm 1917, đoàn tàu chở quân bị trật khỏi đường ray khi đang tiến vào đường hầm Mount Cenis ở Modane, Pháp khiến 543 người thiệt mạng.

Gần 30 năm sau, ngày 16/1/1944, một đoàn tàu đổ trong đường hầm Torro tại tỉnh Leon, Tây Ban Nha khiến 500 người thiệt mạng. Sau đó 2 tháng, một đoàn tàu chết máy ngay trong đường hầm Salerno ở Italia khiến 521 người chết vì ngạt thở. Năm 1949, đoàn tàu tốc hành Danzig-Warsaw bị trật đường ray tại Nr. Dwor, Ba Lan khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đến 1955 tại Mexico, một đoàn tàu lao xuống hẻm núi tại Guadalajara làm 300 người thiệt mạng.

Tính từ đầu thế kỷ 21 đến nay cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm. Vào năm 2002, một đoàn tàu bị bốc cháy ngay sau khi rời Cairo tới Luxor, Ai Cập khiến 383 hành khách thiệt mạng. 300 người khác cũng thiệt mạng khi một đoàn tàu chở hơn 1.200 hành khách chết máy giữa lưng chừng đồi và trôi xuống đâm vào một tàu chở hàng tại khu vực gần thủ đô Dodoma, Tanzania.

Năm 2004, hai tàu chở nhiên liệu đâm vào nhau và phát nổ khiến 3.000 người thiệt mạng và bị thương tại CHDCND Triều Tiên, được coi là một trong những vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử. Cuối năm đó, tại Sri Lanka, đoàn tàu chở 2.000 hành khách bị một trận sóng thần cuốn trôi khiến 1.700 người thiệt mạng.

Ngày 25/4/2005 tại Nhật Bản xảy ra vụ tai nạn tàu hoả nghiêm trọng ở quận Hyogo khi đoàn tàu này đâm vào một chiếc ô tô tại điểm cắt ngang đường bộ khi đang chạy với tốc độ 70 km/h khiến một toa tàu văng vào một toà nhà ở gần đó trong khi 3 toa khác bị trật khỏi đường ray. Vụ tai nạn làm 106 người thiệt mạng và 442 người bị thương.

Tháng 10/2005, tại đoạn đường sắt thuộc huyện Nangonda, bang Andha Pradesh, miền Nam Ấn Độ, xảy ra một vụ tai nạn đường sắt làm 50 người thiệt mạng và 46 người bị thương. Tai nạn xảy ra do mưa bão lớn làm sập cây cầu bắc qua con sông ở khu vực này đúng lúc đoàn tàu chở hơn 800 hành khách đang chạy qua, khiến 7 toa tàu bị trật đường ray và lao xuống nước.

Tháng 7/2010, 61 người thiệt mạng và 165 người bị thương trong một vụ tai nạn đường sắt xảy ra khi một tàu chở khách đâm vào đuôi một tàu chở khách khác đang đỗ tại một nhà ga ở quận Birbhum, cách thủ phủ Kolkata của bang Tây Bengal 200 km về phía Bắc. Đến tháng 10, một vụ tàu hỏa đâm nhau xảy ra khiến 33 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi đoàn tàu chở khách Agro Bromo Anggrek đang trong hành trình từ Jakarta tới Surabaya lao vào đoàn tàu Bisnis Senjia đang đỗ tại sân ga Petarukan Pemalang ở tỉnh Trung Java, Indonesia. 

Năm 2011, xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa làm 67 người thiệt mạng và 240 người bị thương khi đoàn tàu cao tốc Kalka Mail đang trên đường từ Kolkata tới thủ đô New Delhi, thì gặp nạn khi gần tới một nhà ga ở bang Ulta Pradesh, Ấn Độ làm 14 toa tàu bị trật bánh.

Ngày 13/9/2011, một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra khi một chiếc xe buýt đâm vào một đoàn tàu đang chạy theo hướng từ thủ đô Buenos Aires của Argentina tới các tỉnh ngoại thành phía Tây khiến 60 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Ba tháng sau, có thêm 49 người thiệt mạng và 600 người bị thương trong một vụ tai nạn đường sắt ở thủ đô Buenos Aires khi một đoàn tàu chở người đi làm đang chạy với tốc độ cao vào Nhà ga số 1 ở trung tâm thành phố. 

Ngày 13/7/2012 tại tỉnh Mpumalanga, miền Đông Nam Phi, một tàu hỏa đâm vào một chiếc xe tải chở hàng chục công nhân nông trường, làm 30 người thiệt mạng tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Một năm sau, tại vùng Galicia, Tây Ban Nha, đoàn tàu mang số hiệu 151 chở 238 hành khách, đang trên đường từ thủ đô Madrid, tới thành phố cảng Ferrol bị đâm vào một bức tường bê tông làm 13 toa hành khách trật khỏi đường ray, trong đó 4 toa bị lật úp và nhiều toa tàu bốc cháy. Hậu quả khiến 80 người thiệt mạng và 144 người bị thương, là vụ tai nạn đường sắt tồi tệ và thảm khốc nhất tại Tây Ban Nha trong vòng 40 năm qua.

Ngày 19/8/2013, tàu tốc hành Rajya Rani đâm vào một đám đông người tại nhà ga Dhamara Ghat ở bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, khiến 37 người thiệt mạng. Ngày 26/5/2014, 20 người thiệt mạng khi tàu tốc hành Gorakhham đâm vào tàu chở hàng đang đỗ tại nhà ga Chureb, ở Sant Kabir Nagar thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

Ngày 13/5/2015, xảy ra vụ tai nạn đường sắt làm 7 người thiệt mạng và 200 người bị thương khi tàu hỏa Amtrak 188 bị trật đường ray tại thành phố Philadelphia, Mỹ do di chuyển ở vận tốc hơn 160 km/giờ - vận tốc cao gấp đôi so với tốc độ cho phép và đột ngột phanh gấp. Gần đây nhất, ngày 12/7/2016, tại khu vực Puglia, miền Nam Italia xảy ra một vụ va chạm giữa hai đoàn tàu hỏa chở khách, khiến 27 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.