Những ngày sau Tết, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát mạnh, hai trường hợp tử vong đầu tiên đã diễn ra tại các tỉnh phía Nam. Vậy nhưng, trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là các khu vực giáp ranh, tình hình buôn bán gia cầm tràn lan, nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra công khai…
Cơ quan chức năng cảnh báo
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận hai trường hợp mắc cúm A/H5N1 đã tử vong tại Kiên Giang và Sóc Trăng.
Hiện dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng. |
Hiện dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn yêu cầu các cơ quan thú y vùng, chi cục thú y các tỉnh, TP đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường giám sát nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời. Bộ này cũng đã chỉ đạo tuyến cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Người dân vẫn thờ
Tuy nhiên, dường như người dân tại TPHCM vẫn rất chủ quan với dịch cúm, tình hình mua bán gia cầm sống vẫn diễn ra bình thường, việc gà, vịt được kiểm dịch hay chưa họ không quan tâm.
Ngày 8/2, có mặt tại dọc cầu vượt Tham Lương, quận 12, chúng tôi nhận thấy tình hình buôn bán gà, vịt, ngan trên cầu vẫn đông đúc, tấp nập không kém thời điểm chưa có cảnh báo về dịch. Người bán hàng, một cậu bé chừng 15 tuổi tên Xuân cho biết, em bán phụ mẹ ở đây đã hai năm nay, “Mấy hôm nay cũng nghe có dịch gì đó nhưng ở đây người ta cũng không quan tâm lắm”, Xuân nói.
Được biết, đây là một điểm bán gia cầm sống “xôm tụ” nhất ở khu vực quận 12 và một số quận lân cận. Chị Thảo, một khách mua khi được hỏi về dịch cúm gia cầm đã cho biết: “Nghe đâu ở ngoài Trung chứ chưa vô tới Sài Gòn mà”.
Tại khu vực này, người mua nếu có nhu cầu làm sẵn gia cầm, người bán sẽ “biến mất vào những căn nhà gần đó và trở ra với gà vịt đã làm tinh tươm, từng thau nước làm gà, vịt được hắt thẳng xuống sông hoặc ra đường…
Tương tự, tại các khu vực chợ tự phát ở quận Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp tình hình buôn bán gia cầm sống vẫn tấp nập như thường, người ta buôn bán, làm gà vịt tại chỗ, bầu không khí quánh đặc mùi chất thải, máu tại các khu vực tập trung gia cầm. Dọc con đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức, không chỉ có gà, vịt, ngan, còn có khá nhiều loại chim lạ được vặt lông sẵn và bày bán tràn lan. Khi được hỏi về nguồn gốc gia cầm, người bán đều trả lời một cách mơ hồ là “từ Long An lên”, còn kiểm dịch hay chưa thì “chưa biết”.
Người bán gà tên Hùng, dọc quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh thì tiết lộ nhiều hơn: “Số gà bán trong khu này đều được đem lên từ “điểm tập kết gà” ở Phước Lý, Long An. Đám buôn gà ở đó tập trung gà vịt nhiều, phân phối cho rất nhiều nơi ở TPHCM, lời dữ lắm nhưng cũng rủi ro vì mấy ngày dịch này Trạm kiểm dịch An Lạc làm kĩ, toàn phải đi bỏ hàng lúc nửa đêm không hà”.
“Như vậy là gà khu này toàn chưa qua kiểm dịch?”- chúng tôi hỏi- “Tất nhiên, ở chợ bây giờ còn chưa chắc đã kiểm dịch hết nữa. Với lại, chờ kiểm dịch xong gà ốm nhom, làm gì có lời. Chưa kiểm dịch mới có giá này đó chớ (rẻ hơn giá chợ từ 15- 20 ngàn/1kg), Hùng trả lời!”.
Thống kê từ Chi cục Thú y TPHCM, hiện TP có trên 200 điểm kinh doanh gia cầm sống. Trên thực tế, chắc chắn con số phải cao hơn gấp nhiều lần, bởi trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các vùng ven, tuyến huyện có vô số điểm bán nhỏ lẻ, tại các chợ tự phát lề đường, chưa thể kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, mặc dù tại TPHCM đã có đến bốn “cửa ngõ” kiểm định động vật là Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp.
Tuy đã hoạt động khá tích cực, nhưng với những “mánh khóe” của cánh buôn gia cầm, thì số “lọt lưới” vẫn nhiều hơn số được kiểm định. Trong thời gian tới, nếu dịch cúm bùng phát, thì những chợ tự phát này, cùng “điểm tập kết” tại Long An chắc chắn sẽ trở thành những ổ dịch đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân.
Ngọc Mai