Singapore sớm mở cửa biên giới
Giới chức Singapore ngày 6/10 thông báo đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, trong đó có việc thiết lập một phòng xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu tại Quốc hội ngày 6/10, tân Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung cho biết phòng xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Changi sẽ được thiết lập trong vài tháng tới nhằm bổ sung cho cơ sở xét nghiệm hiện tại ở sân bay này vốn đã có công suất xét nghiệm nhanh (lấy dịch mũi họng) lên tới 10.000 hành khách/ngày. Ngoài ra, Singapore cũng đang tính toán lại về quy định cách ly tại nhà 14 ngày với hành khách nhập cảnh.
Người tham gia thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Moderna và Pfizer gặp tác dụng phụ nặng
Theo CNBC, trong số 5 tình nguyện viên này, 3 người đã dùng vắcxin của Moderna, 2 người còn lại dùng của Pfizer. Một trong số những người sử dụng vắcxin của Moderna được CNBC xác định có tên là Luke Hutchison. Sau khi tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ 2 trong quá trình thử nghiệm, người đàn ông này cho biết không ngủ được vì các cơn ớn lạnh và sốt.
Trong khi đó, tuy 4 người còn lại từ chối tiết lộ danh tính, nhưng CNBC cho biết đã xác thực những người này có tham gia thử nghiệm thông qua hồ sơ chính thức.
Một người tham gia nghiên cứu của Pfizer cũng trải qua các phản ứng phụ của vắc-xin tương tự với Hutchison, sau khi nhận liều vắc-xin thứ 2.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, tất cả 3 tình nguyện viên của Moderna và một của Pfizer cho biết các tác dụng phụ này tuy mạnh nhưng đều sớm biến mất trong vòng một ngày. Cả 5 người đều cho biết họ tin rằng sự khó chịu họ trải qua là hoàn toàn xứng đáng vì giá trị của nghiên cứu được thực hiện.
Hai cuộc thử nghiệm nêu trên đều nằm ở giai đoạn 3 với hàng chục ngàn người tham gia. Vì đây là những thử nghiệm mù đôi, cả người tham gia và nhân viên y tế đều không biết ai được dùng vắc-xin, ai được dùng giả dược (placebo).
Hãng dược Moderna và nhóm hợp tác giữa hãng Pfizer và BioNTech (Đức) đang là các hãng dược đi đầu trong cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 trên thị trường.
Cố vấn hàng đầu của Trump nhiễm SARS-CoV-2
Stephen Miller, cố vấn chính sách hàng đầu của Tổng thống Mỹ, xác nhận dương tính với SẢRS-CoV-2 dù đã tự cách ly từ khi ông Trump nhiễm virus.
"Suốt 5 ngày qua tôi đã làm việc từ xa và tự cách ly, xét nghiệm âm tính hàng ngày cho tới hôm qua. Hôm nay, tôi xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đang bị cách ly", Miller hôm 6/10 thông báo.
Sau khi làm việc từ xa ở nhà vài ngày, Miller tới chỗ làm hôm 6/10 và có kết quả xét nghiệm dương tính, một nguồn tin cho biết. Miller là quan chức mới nhất liên quan tới cụm dịch ở Nhà Trắng, nơi chứng kiến ít nhất 10 người khác dương tính. Ông cũng là thành viên mới nhất trong đội ngũ đã chuẩn bị phiên tranh luận cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước có kết quả dương tính.
Stephen Miller cùng vợ Katie Miller. |
Katie Miller, vợ của ông Miller, là giám đốc truyền thông của Phó tổng thống Mike Pence. Cô đã nhiễm SARS-CoV-2 vài tháng trước và xét nghiệm âm tính hôm 6/10. Cô đã đi cùng Pence tới thành phố Salt Lake trước thềm cuộc tranh luận phó tổng thống dự kiến diễn ra vào 7/10, nhưng đã bỏ dở hành trình hôm 6/10 để để phòng, theo một quan chức.
WHO hy vọng có vắc-xin vào cuối năm
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng sẽ có một loại vắc-xin ngừa virus corona chủng mới hiệu quả vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, chế phẩm như vậy sẽ không lập tức đưa cuộc sống trở lại bình thường, do phải mất hàng tháng mới có thể sản xuất, phân phát và cho sử dụng vắc-xin trên diện rộng.
Phát biểu tại phiên bế mạc cuộc họp kéo dài trong 2 ngày của ban lãnh đạo WHO hôm 6/10, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, thế giới cần dùng "mọi công cụ trong tay" để chấm dứt đại dịch, kể cả vắc-xin. Có khoảng 40 loại vắc-xin khác nhau hiện trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhưng ông Ghebreyesus không tiết lộ đang đặt niềm tin vào loại nào.
WHO hiện theo đuổi một sáng kiến nhằm trao cho mọi quốc gia trên toàn cầu quyền tiếp cận như nhau tới 9 loại vắc-xin sau khi chúng được phê duyệt và cấp phép lưu hành.