Dịch COVID-19 sáng 19/3: châu Phi khẳng định nên tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca, Italy tổ chức tưởng niệm những người đã tử vong trong dịch COVID-19

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00 giờ ngày 19/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 121.969.688 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.695.228 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 98.288.429 người.

Giới chức châu Phi khẳng định nên tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca

Liên minh châu Phi (AU) ngày 18/3 khẳng định các quốc gia châu Phi nên tiếp tục sử dụng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cùng trường Đại học Oxford phối hợp bào chế.

Khuyến nghị của AU được đưa ra trong bối cảnh hơn 10 nước châu Âu đã đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại về nguy cơ gây đông máu.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/3, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong nêu rõ: "Tôi khuyến khích các nước tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng, chiến dịch này không thể tạm dừng vì chúng ta đang chạy đua với thời gian". 

Châu Phi đã tụt hậu so với các khu vực giàu có hơn trên thế giới về tiến độ tiêm chủng, trong khi nhiều quốc gia thuộc lục địa này được tiếp cận nguồn cung miễn phí vaccine AstraZeneca theo cơ chế phân phối vaccine bình đẳng mang tên COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai.

Sau khi có những báo cáo về phản ứng phụ liên quan việc tiêm vaccine của AstraZeneca, WHO khẳng định việc tiêm phòng với vaccine này sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều lần so với những rủi ro mà nó có thể mang lại. Giám đốc của Văn phòng WHO khu vực châu Phi - ông Matshidiso Moeti nhấn mạnh: "Khi có càng nhiều người được bảo vệ, thì càng ít có nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2". 

Hồi cuối tuần trước, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo đã xem xét dữ liệu của hơn 17 triệu người ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm vaccine của hãng này, song không phát hiện bằng chứng nào cho thấy khả năng gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang điều tra các báo cáo về 30 trường hợp có triệu chứng rối loạn máu trong số 5 triệu người đã được tiêm vaccine của AstraZeneca tại 27 quốc gia thuộc EU. Theo EMA, cho đến nay cơ quan này chưa phát hiện bất cứ mối liên quan nào giữa việc tiêm phòng và các triệu chứng bệnh nêu trên.

Italy tổ chức tưởng niệm những người đã tử vong trong dịch COVID-19

Ngày 18/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã tới Bergamo, một tỉnh miền Bắc nước này từng được biết đến như "Vũ Hán của Italy" trong dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tham dự hoạt động tưởng niệm hơn 103.000 người dân nước này đã tử vong vì COVID-19.

Phát biểu tại lễ khánh thành công viên tưởng niệm ở gần bệnh viện chính của thành phố, Thủ tướng Draghi cho biết: "Chúng ta không thể ôm nhau nhưng đây là ngày mà chúng ta đều cảm thấy gần nhau hơn bao giờ hết. Nơi này là một biểu tượng về nỗi đau của toàn thể đất nước."

Nhân dịp này, ông đã chứng kiến việc trồng tượng trưng một trong số 850 cây xanh tại công viên này.

Trước đó, ông Draghi đã đặt vòng hoa tại nghĩa trang Bergamo và dành một phút mặc niệm những người đã khuất. Cả nước Italy treo cờ rủ tại các tòa nhà cơ quan công quyền.

Italy đã chọn ngày 18/3 là ngày tưởng nhớ đại dịch hằng năm, trùng vào ngày mà vào năm 2020 quân đội đã phải tham gia chuyển đi một lượng lớn quan tài từ lò hỏa tảng bị quá tải ở Bergamo.

Những hình ảnh đau buồn về các xe tải chở những chiếc quan tài nặng trĩu đi qua thành phố vào ban đêm đã nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng của đại dịch tại Italy và nhiều nơi khác.

Thủ tướng Draghi cam kết không từ bỏ nỗ lực tăng cường tiêm vaccine toàn quốc bất chấp tranh cãi hiện nay liên quan đến vaccine của hãng AstraZeneca.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines lại chạm mức đỉnh

Số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines đã lại chạm mức đỉnh từng được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất hồi tháng 7/2020, Bộ Y tế nước này cho biết.

Theo Alethea de Guzman, quyền Giám đốc Cục Dịch tễ trực thuộc Bộ Y tế Philippines, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này có thể lên tới 200.000 ca/tháng nếu như các biến chủng mới được xác định là nguồn lây nhiễm chủ yếu. Số ca mắc tại Vùng Thủ đô Quốc gia hiện đã tới mức đỉnh hồi năm ngoái và xu hướng này cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác trên toàn quốc.

Bà De Guzman cho biết, lây nhiễm có xu hướng giảm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đón năm mới, nhưng lại gia tăng trở lại vào cuối tháng 1 vừa qua và đặc biệt đáng lo ngại trong vài tuần trở lại đây. Tốc độ lây lan trong hai tuần đầu của tháng 3 cao hơn 2,5 lần so với tháng 1, với các ổ dịch bùng phát không chỉ ở hộ gia đình, mà còn tại nơi làm việc, khối cơ quan, văn phòng. 

Theo người đứng đầu Cục Dịch tễ, có một số nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới gia tăng. Đó là sự xuất hiện các biến chủng mới có nguồn gốc từ Anh và Nam Phi với tốc độ lây lan mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc dân chúng vẫn giữ thói quen di chuyển, đi lại nhiều, thiếu ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu trong bảo đảm sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh ở nơi công cộng. 

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.