Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai tiêm chủng loại vaccine này sau khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài cho thấy tính hiệu quả.
Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong do COVID-19
Bộ Y tế Campuchia thông báo nạn nhân là một nam giới người Campuchia, 50 tuổi và là tài xế riêng của một người Trung Quốc tại tỉnh Preah Sihanouk (cũng là bệnh nhân COVID-19 do có liên quan đến "Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/02/2021"). Campuchia cũng ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.163 ca, trong đó 597 ca đã bình phục.
Trong phiên họp bất thường vào sáng 11/3, Thượng viện Campuchia đã thông qua dự luật về "Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chết người khác". Dự luật được 39 nghị sĩ thông qua nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
EU cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson
Ngày 11/3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong một tuyên bố, người đứng đầu EMA, bà Emer Cooke cho biết với quyết định trên, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Bà cho biết đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên chỉ cần tiêm một mũi duy nhất.
Quyết định trên của EMA đã tạo ra cú huých cho chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp trong EU, thậm chí có tin cho rằng lô vaccine Johnson&Johnson đầu tiên cho đến tháng 4 mới tới các nước châu Âu.
Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng 3 vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, 3 vaccine ngừa COVID-19 khác đang được EMA xem xét gồm vaccine Novavax, CureVac và Sputnik V của Nga.
Liên quan tới vaccine AstraZeneca/Oxford, EMA cho biết vaccine này dường như không làm tăng nguy cơ gây huyết khối (cục máu đông) ở những người đã tiêm vaccine này.
Tuyên bố của EMA nêu rõ: "Thông tin có sẵn đến nay cho thấy số trường hợp nghẽn mạch ở những người tiêm vaccine (AstraZeneca) không cao hơn so với số trường hợp nghẽn mạch trong dân số nói chung".
EMA đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Đan Mạch, Na Uy và Iceland tạm ngừng tiêm vaccine này.
Pháp nới lỏng hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài EU
Ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này sẽ nới lỏng một số hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) vốn được áp dụng để phòng dịch COVID-19.
Theo đó, tất cả các trường hợp đi và đến từ Australia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Singapore sẽ không cần phải nêu mục đích chuyến đi của mình. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu khác, trong đó có việc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 72h trước chuyến đi, vẫn được áp dụng. Bên cạnh đó, việc đi đến các quốc gia khác bên ngoài EU vẫn bị hạn chế, song có bổ sung một số trường hợp ngoại lệ như đoàn tụ gia đình và trẻ em đi học.
Dự kiến, sắc lệnh về việc nới lỏng hạn chế đi lại sẽ được công bố trong ngày 12/3.
Trước đó, từ ngày 31/1/2021, Chính phủ Pháp đã cấm tất cả hoạt động đi lại với các nước ngoài EU, ngoại trừ các chuyến đi với mục đích thiết yếu, nhằm hạn chế sự lây lan các biến thể virus SARS-CoV-2.