Singapore sẽ tiêm vaccine cho 10.000 lao động nhập cư
Tại Singapore, Bộ Nhân lực nước này cho biết từ ngày 12/3, 10.000 lao động nhập cư không bị mắc COVID-19 tại nước này sẽ được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Số lao động nhập cư này hiện đang sống trong 5 khu ký túc lớn nhất của "đảo quốc sư tử" là Sungei Tengah Lodge, Tuas View Dormitory, CDPL Tuas Dormitory, PPT Lodge 1B, and Kranji Lodge 1. Chỉ những người đồng ý và được sàng lọc phù hợp mới được tiêm chủng. Những lao động đã được tiêm vaccine sẽ được làm xét nghiệm 28 ngày một lần, thay vì 14 ngày như hiện nay.
Bộ Nhân lực Singapore cũng cho biết tất cả lao động sống trong các khu ký túc lớn này sẽ hoàn tất mũi tiêm đầu tiên vào cuối tháng 4. Sau đó việc tiêm phòng sẽ được triển khai ra tất cả các lao động nhập cư trong các khu ký túc trên cả nước.
Việc tiêm phòng được triển khai khi Chính phủ Singapore nới lỏng những hạn chế đối với người lao động nhập cư. Hiện Singapore có khoảng 320.000 lao động nhập cư sống trong các khu ký túc và các ca nhiễm COVID-19 ở đó chiếm phần lớn trong khoảng hơn 60.000 ca nhiễm ở "đảo quốc sư tử" được ghi nhận cho đến nay.
UNICEF cần bổ sung 1 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 10/3 đã hối thúc các nước bổ sung nguồn tài chính hỗ trợ để các nghèo được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và theo quỹ, khoản đóng góp cần có khoảng 1 tỷ USD.
UNICEF là tổ chức đơn lẻ mua vaccine số lượng lớn nhất hiện nay, là một phần trong COVAX - Cơ chế phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn cùng với Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng Gavi.
Tại Hội nghị chính phủ thế giới được tổ chức trực tuyến tại Dubai, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore đưa ra lời kêu gọi bổ sung đóng góp nêu trên, đồng thời nhấn mạnh khoản quỹ này có thể được giải ngân củng cố hệ thống y tế tại những nước nghèo hơn và hỗ trợ phân phối vaccine tại các nước này.
Mục tiêu của sáng kiến COVAX là trong năm 2021 phân phối ít nhất 2 tỷ liều vaccine, trong đó 1,3 tỷ liều phân phối cho các nước có thu nhập thấp hơn. Theo kế hoạch của COVAX, đến cuối tháng 5/2021, sẽ có 237 triệu liều vaccine AstraZeneca được phân phối cho 142 nước và đây cũng là thời điểm vaccine Pfizer được phân phối trong chương trình. Do đó, bà Fore thúc giục các nhà sản xuất vaccine ký các thỏa thuận cấp phép để vaccine có thể được ủy quyền sản xuất tại nước bản địa, mà châu Phi là một thị trường có nhu cầu bức thiết.
Đánh giá về cơ chế COVAX, bà Fore cho rằng sáng kiến này sẽ không thể bao quát chương trình tiêm chủng toàn thế giới trong năm nay. Bà cho rằng còn nhiều việc phải làm và để làm được cần thêm nhiều sự trợ giúp hơn nữa.
Trong tháng 2 vừa qua, Ghana và Cote d'Ivore là hai nước đầu tiên sử dụng vaccine trong COVAX tiêm chủng cho người dân các nước này. Đến nay, hàng chục nước trên thế giới, chủ yếu là các nước châu Phi đã tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 trong COVAX.
EU mua bổ sung 4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech
Ngày 10/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ được bổ sung 4 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong hai tuần tới.
Trong một tuyên bố, bà der Leyen cho biết số vaccine trên - cao hơn mức mà nhà sản xuất vaccine đã nhất trí - sẽ được chuyển tới các vùng biên giới bị ảnh hưởng nhằm "giúp đảm bảo hoặc khôi phục sự di chuyển tự do của người và hàng hóa".
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh EC đang tìm cách thuyết phục ít nhất 6 quốc gia thành viên dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới mà Brussels cho là "thái quá". Bà der Leyen nhắc tới tình trạng tăng số ca nhiễm và số ca nhập viện tại vùng Tyrol (Áo), thành phố Nice và vùng Moselle của Pháp, Bolzano ở Italy và nhiều nơi ở vùng Bavaria và Saxony ở Đức, dẫn tới "những biện pháp nghiêm ngặt và trong một số trường hợp là áp đặt các kiểm soát mới ở biên giới".
Bà der Leyen cũng lưu ý rằng vaccine của BioNTech/Pfizer đã chứng tỏ "hiệu quả cao" chống các biến thể mới của virus.