Dịch bệnh lây từ động vật hoang dã sang người: Ai có lỗi?

COVID-19 cũng là một căn bệnh được cho là xuất phát từ động vật hoang dã.
COVID-19 cũng là một căn bệnh được cho là xuất phát từ động vật hoang dã.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gần 70% các loại dịch bệnh trên thế giới từ hàng trăm năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã rồi lây sang người. Nhưng, như thế không có nghĩa động vật hoang dã có lỗi trong việc tạo ra dịch bệnh. Tác nhân khiến dịch bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang con người lại chính là... con người.

Các loại dịch bệnh từ động vật sang người

Trong những năm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ sự quan tâm đến các bệnh từ động vật có thể lây nhiễm sang người, gây nên những tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Nhiều nghiên cứu từ WHO cho thấy khoảng 2/3 (60,3%) các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 3/4 (71,8%) trong số này là có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Trước thực trạng này, thời gian qua WHO đã đưa ra cảnh báo đến tất cả các quốc gia trên thế giới cần lưu ý đến vấn đề này để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và giải pháp cụ thể, nhằm chủ động khống chế dịch bệnh từ động vật lây nhiễm sang người.

Có 14 căn bệnh lây từ động vật sang người đã được WHO cảnh báo, trong đó có không ít căn bệnh được gọi là “căn bệnh thế kỉ”. Nhiều loại bệnh khác được so sánh như “bom hủy diệt”, gây ra số lượng người tử vong khổng lồ trên thế giới suốt nhiều thập kỉ qua.

Trong số đó, bệnh AIDS là một trong những căn bệnh đáng sợ hàng đầu từng xuất hiện trong loài người. Bệnh gây ra nhiều cái chết, sự khủng hoảng tinh thần cho con người trong suốt những thập niên 1990-2000. Đây là căn bệnh do con người bị lây nhiễm vi rút HIV (Human immunodeficiency virus) từ những giống khỉ dạng người hay khỉ giả nhân cư trú tại Trung Phi và nhiều khả năng nhất là từ tinh tinh hay vượn truyền sang người. Hiện nay có tới gần hàng chục triệu người đã chết vì bệnh AIDS.

Bệnh SARS cũng là một trong những căn bệnh nguy hiểm đã gây chết hàng loạt người. Trước COVID-19, SARS được coi là một “hiểm họa” đáng sợ nhất của nhân loại. Dịch bệnh này được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc do loại vi rút coronavirus gây nên vào đầu năm 2003 và đã làm cho hàng ngàn người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 800 người bị thiệt mạng trên thế giới. Riêng 299 người tử vong là người dân ở Hồng Kông.

Vào cuối năm 2019, bệnh COVID-19 trước đó gọi là nCoV (Novel coronavirus) có nghĩa chủng loại mới của coronavirus. Đây cũng là một hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng do loại coronavirus thứ hai, viết tắt là SARS-CoV-2, xuất hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc rồi lây lan nhanh chóng rộng ra nhiều nước khác trên thế giới. Thời gian qua, COVID-19 đã khiến số người chết liên tục tăng nhanh trên thế giới. Tính đến đầu tháng 5/2022, theo thống kê của WHO, số người chết toàn cầu do COVID-19 lên đến con số 15 triệu người. Tại Việt Nam, thời điểm tháng 7-9/2021 là đỉnh điểm của COVID-19, đã cướp đi sinh mạng nhiều người, khiến nhiều gia đình tan nát, bao trẻ mồ côi. Đại dịch còn khiến nền kinh tế nhiều quốc gia đứt gãy, tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” diễn ra một thời gian dài trên thế giới, gây ra bao nhiều hệ lụy đau đớn.

Một đại dịch đáng sợ như thế, xuất phát điểm cũng từ động vật hoang dã. Các nhà khoa học cho rằng mầm bệnh xuất phát từ một loài chồn hương. Các chuyên gia cũng đặt ra nghi ngờ có thể bệnh nhân đầu tiên phát hiện là người có tiếp xúc với động vật, ăn uống các thực phẩm từ động vật hoang dã mang mầm bệnh vi rút, khả năng là từ một loài dơi; nhưng vấn đề này đang còn được tiếp tục nghiên cứu xác định.

Cạnh đó, những căn bệnh như sốt xuất huyết Dengue do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền bệnh; Bệnh sốt rét với tác nhân gây bệnh loài muỗi Anopheles; Bệnh đậu mùa từ loài lạc đà; Bệnh dịch hạch từ chuột và một số loại thú gặm nhấm khác; Bệnh bò điên xuất phát từ việc ăn thịt bò nhiễm bệnh; Bệnh cúm A (H5N1) gây ra bởi vi rút H5N1 mà thông thường chỉ gây bệnh cho gia cầm bao gồm cả các loài chim; Bệnh viêm não được truyền sang cho con người từ loài chuột và những loài gặm nhấm khác với 10 – 15 ngàn bệnh nhân tử vong do mắc bệnh hàng năm...

Gần đây, bệnh đậu mùa khỉ cũng là một trong những căn bệnh lây từ động vật sang người đang được cảnh báo mạnh mẽ vì lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới. Bệnh này có mầm bệnh từ chuột vàng, được phát hiện lần đầu vào cuối tháng 5/2005 ở Mỹ và cho tới nay vẫn là một căn bệnh nguy hiểm đe dọa loài người.

Thực tế, các bệnh từ những loại động vật đã và đang tồn tại ở khắp mọi nơi, thậm chí có thể nhiều hơn con số 14 nước đang được WHO thống kê. Thời gian qua, các bệnh từ động vật có thể lây nhiễm sang cho con người đã được WHO cảnh báo đối với các quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà khả năng khống chế dịch bệnh ở mỗi quốc gia khác nhau, trong đó, thái độ quyết liệt và các giải pháp cụ thể của từng quốc gia trong ngăn ngừa từ gốc các căn bệnh là yếu tố rất quan trọng.

Con người chính là tác nhân

Trước khi SARS-CoV-2 và gần đây là COVID-19 xuất hiện và bùng phát thành đại dịch toàn cầu trong những năm gần đây, những cảnh báo nghiêm trọng về bệnh truyền nhiễm bệnh dịch từ động vật sang người thường được các quốc gia “phớt lờ”. Chỉ những năm gần đây, tầm quan trọng mới được nâng lên và nhiều tổ chức, nhiều quốc gia bắt đầu có sự quan tâm đúng mức đến những nguyên nhân, tác nhân, hệ quả của dịch bệnh từ động vật hoang dã.

Có một sự thật phải thừa nhận, tuy rằng động vật hoang dã chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt căn bệnh nguy hiểm cho con người trong suốt những năm qua, nhưng nếu truy nguồn gốc thì chính con người mới là tác nhân khiến những căn bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát ở các địa phương và lan ra trên quy mô toàn cầu.

Nếu con người tuân theo quy luật tự nhiên, sống ở môi trường của chính mình và tôn trọng, bảo vệ “đất sống” cũng như sự sống của các loài sinh vật hoang dã khác, có lẽ tai họa đã chẳng xảy ra. Thời gian qua, sự xâm phạm thô bạo của con người vào môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã đã tạo cơ hội cho dịch bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay, sự phát triển các hoạt động buôn bán động vật hoang dã dưới hình thức hợp pháp và bất hợp pháp càng thúc đẩy con người tiếp xúc gần với các loài mới, bao gồm các loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có nhiều loài là vật chủ gây bệnh hoặc trung gian truyền bệnh. Động vật hoang dã thường bị buôn bán làm thực phẩm, thuốc đông y hoặc thú cưng, trong đó mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng đều tiềm ẩn rủi ro lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người.

Cạnh đó, việc gây nuôi thương mại các loài động vật tại các trang trại mà không chú trọng đảm bảo điều kiện chuồng trại, an toàn vệ sinh và hầu như không có phương án ứng phó, phòng chống dịch bệnh cho động vật cũng gây ra rất nhiều nguy cơ. Các điểm giết mổ động vật hoang dã thiếu vệ sinh cũng được coi là nơi mầm bệnh phát tán nhanh và mạnh mẽ mà nghi vấn chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán là nơi xuất phát của virus Corona là một ví dụ.

Tại Việt Nam, mặc dù từ lâu Nhà nước đã tuyên truyền về việc cấm vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loài động vật hoang dã và cũng đã có những cảnh báo sự nguy hiểm của việc lây nhiễm virus nhưng người dân vẫn chưa thực sự ý thức tầm quan trọng của vấn đề. Xuất phát từ những thói quen ăn uống, tiêu thụ động vật hoang dã có từ xưa, cộng với sự “thổi phồng” các tác dụng của động vật hoang dã trong trị bệnh, nâng cao sức khỏe, nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã tuy âm thầm nhưng khá cao tại Việt Nam. Trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều thị trường buôn bán động vật hoang dã. Thậm chí có những vùng nông thôn, các chợ động vật hoang dã được hoạt động công khai. Đáng trách hơn, trong đó có những nơi chuyên giao dịch những động vật nguy cấp, quý hiếm, có trong sách đỏ.

Hiện, Tổ chức WHO cũng đã đưa ra lời cảnh báo đồng thời hướng dẫn các quốc gia nâng mức độ khẩn cấp trong việc tuyên truyền mối nguy hiểm do bệnh dịch từ động vật hoang dã gây nên nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức phòng tránh trong người dân.

Cạnh đó, nhiều tổ chức bảo vệ động vật cũng thực hiện không ít chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Việc bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng không chỉ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ động vật sang người mà sâu xa và toàn diện hơn, việc con người tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự sống của mọi sinh vật trên trái đất, không lạm sát bừa bãi cũng chính là tôn trọng mẹ thiên nhiên, gìn giữ sự cân bằng của môi sinh, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho cả hành tinh, về lâu dài.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.