Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Tiêu hủy lợn chết do dịch bệnh ở Quảng Trị. Ảnh: TTXVN |
Quảng Trị: Diễn biến phức tạp
Tính đến hết ngày 23/2, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đã có trên 100 con lợn chết trong tổng số gần 650 con lợn bị mắc bệnh tai xanh. Dịch bệnh tai xanh xuất hiện và bùng phát tại đàn lợn của người dân Đội 1, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, từ đầu tháng Hai. Tình hình dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, bên cạnh đó việc lưu thông buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn rất khó kiểm soát, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rộng ra các địa bàn khác rất cao.
Ngay sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y, Trạm Thú y huyện cùng UBND huyện Triệu Phong kiểm tra, xác minh và kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý, tiêu độc khử trùng, cách ly theo quy định. Trước tình hình dịch tai xanh trên đàn lợn ở xã Triệu Đông diễn ra tương đối phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành xác minh, tiêm phòng và chữa trị cho số lợn bị bệnh, đồng thời tiến hành tiêu hủy số lợn đã chết.
Chi cục cũng đã đưa 5.000 liều vắcxin tai xanh về tiêm phòng ở xã Triệu Đông và các xã lân cận vùng dịch; lập ba chốt chặn ở các xã vùng ven như Triệu Tài, Triệu Long và Triệu Thành.
Điện Biên: Công bố dịch cúm gia cầm
Tại Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND công bố dịch cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên nghiêm cấm hành vi vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm tại xã Thanh Xương ra khỏi địa bàn; nghiêm cấm việc chế biến, bán và sử dụng các sản phẩm gia cầm mắc bệnh trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm của gia cầm tại các xã, phường, thị trấn còn lại thuộc các huyện, thị xã, thành phố.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên từ ngày 19/2. Nhận được nguồn tin báo từ nhân dân, ngành thú y tỉnh đã tổ chức xuống cơ sở kiểm tra thực tế, lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm để gửi đi xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Dịch tễ Thú y Trung ương đối với 3 mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả dương tính với chủng cúm gia cầm lấy tại một số gia đình đội 10 trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm huyện Điện Biên phối hợp với UBND xã Thanh Xương và 9 gia đình thuộc đội 10 xã Thanh Xương tổ chức tiêu hủy trên 350 con gia cầm, thủy cầm do nhiễm cúm. Trạm Thú y huyện đã phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi của 9 hộ gia đình, triển khai một số giải pháp khống chế và bao vây vùng dịch.
Phòng bệnh liên cầu khuẩn trên lợn: Chưa có vắcxin Trong những ngày qua, thông tin một số người dân phải nhập viện và bị tử vong do ăn tiết canh đã nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn đã gây nhiều lo lắng cho người dân. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT - cho biết liên cầu khuẩn tồn tại tự nhiên khó phát hiện, kể cả những con lợn mang trùng liên cầu khuẩn cũng không có biểu hiện mắc bệnh nên không thể phát hiện. Điều nguy hiểm là chỉ có thể phát hiện được lợn nhiễm liên cầu khuẩn thông qua việc xét nghiệm, song đến nay vẫn chưa có vắcxin để phòng bệnh liên cầu khuẩn trên lợn, vì thế người dân phải tự bảo vệ bằng cách không ăn tiết canh, không ăn sống mà thực phẩm phải được nấu chín. Ngành y tế khuyến cáo, liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ lợn sang người và không được chạy chữa kịp thời sẽ dẫn tới triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp và tử vong. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo hoặc qua đường ăn uống. Thu Hà |
Thanh Thủy-Xuân Tiến