Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục THADS cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác như kết quả thi hành án về việc, về tiền của toàn Hệ thống vẫn còn thấp so với chỉ tiêu được giao. Kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt tỷ lệ chưa cao. Kết quả thi hành phần nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù cũng chưa đạt so với yêu cầu. Một số vụ việc chưa được xử lý dứt điểm tại cơ sở nên vẫn còn tình trạng công dân bức xúc, đến địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp khiếu nại, tố cáo vượt cấp; Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số Thủ trưởng cơ quan THADS địa phương còn chưa sát sao, quyết liệt nên vẫn còn để xảy ra vi phạm, sai sót, dẫn đến khiếu nại, tố cáo hoặc phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Ở địa phương, 6 tháng đầu năm, công tác THADS trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai đều trên tất cả các lĩnh vực công tác. Lãnh đạo Cục, Chi cục, các đơn vị thuộc Cục đã bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và thực hiện nhiều giải pháp căn cơ trong công tác tuy nhiên kết quả THA còn thấp. Nhận diện rõ những khó khăn trong công tác THADS trên địa bàn Hà Nội do số việc và tiền phải thi hành ngày càng cao, Cục trưởng Lê Xuân Hồng cho biết, sắp tới cơ quan THADSS sẽ tăng cường đôn đốc THA trong đó tập trung rà soát các việc tồn trong vòng 3 năm trở lại đây; các vụ việc có giá trị lớn. đồng thời sẽ lập Tổ công tác rà soát án tham nhũng kinh tế do một lãnh đạo Cục phụ trách. Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhất là với các vụ việc nổi cộm đồng thời đề nghị Viện kiểm sát tăng cường kiểm sát để kịp thời phát hiện sai sót nếu có.
Đại diện Cục THADS TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hữu Hoà, Phó Cục trưởng cho biết, Cục đã tăng cường chỉ đạo các Chi cục, Chấp hành viên tập trung nguồn lực, nhân lực xử lý các vụ việc thi hành án có tài sản, giá trị phải thi hành lớn; tập trung xử lý tài sản đảm bảo trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng, khẩn trương giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; tập trung xử lý thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng; Thực hiện đúng quy trình tổ chức thi hành án, công khai, minh bạch thủ tục hành chính THADS, hạn chế thấp nhất các sai sót. Chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác xác minh, phân loại án, đảm bảo chính xác về số liệu và thực tế hồ sơ thi hành án; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giải quyết án có trọng tâm, trọng điểm theo từng đơn vị hoặc theo tính chất loại vụ việc thi hành án; tập trung chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Cũng theo ông Lê Hữu Hoà, thời gian qua, địa bàn TP nổi lên khó khăn là xuất hiện nhiều tài sản hình thành trong tương lai tuy nhiên, Luật THADS lại chưa có cơ chế xử lý dẫn đến không thể kê biên. Riêng việc uỷ thác THA quy định cũng chưa rõ ràng dẫn đến việc thực hiện khó khăn, tiến độ THA bị kéo dài. Do đó, bên cạnh đề xuất tiếp tục hoàn thiện quy định về THA ông Hoà đề nghị Bộ, Tổng cục THADS tiếp tục quan tâm tạo điều kiện bổ sung biên chế cho cơ quan THADS TP. (hiện đang thiếu 44 biên chế) trong bối cảnh công việc ngày càng gia tăng.
Còn tại Bình Dương, với phương châm “rà soát, chỉ đạo đạo xử lý từng vụ việc của từng Chấp hành viên tại các đơn vị trực thuộc”, các Cơ quan THADS trong tỉnh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là hai chỉ tiêu về việc, về tiền. Cụ thể: về việc đã giải quyết xong 6.407 việc, đạt tỉ lệ 49,35%; về tiền đã giải quyết xong 2.296 tỷ 310 triệu 875 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 53,23% (tăng 25,94% so với cùng kỳ năm 2020; so với chỉ tiêu của Tổng cục giao năm 2021 vượt 13,13%).
Cục trưởng Cục THADS Bình Dương Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngay từ đầu năm với quyết tâm cao của cả hệ thống, Cục THADS đã chỉ đạo các các đơn vị xây dựng kế hoạch đến từng tuần, tháng, đồng thời nắm chắc, bám sát tình hình cơ sở để có phương án giải quyết từng việc phù hợp. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án được lãnh đạo Cục lắng nghe, tháo gỡ kịp thời. Những vụ việc thi hành chậm hay khó khăn, những đơn vị yếu kém thì lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo, theo sát. Thời gian tới, cơ quan THADS trên địa bàn sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tín dụng, ngân hàng, các vụ án có giá trị lớn từ 10 tỷ trở lên đồng thời quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát...