“Dẹp loạn” quảng cáo bịa đặt giả mạo “thuốc Đông y”

Các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm.
Các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm.
(PLVN) - Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua, tình hình quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube...

“Các vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe mạo danh thuốc đông y còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ kèm theo phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trước thực trạng đó, Cục đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan về phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Cục thương mại điện tử & kinh tế số (Bộ Công Thương); Cục Quản lý phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử, Thanh tra Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông)…

Về phía Cục đã thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chủ động rà soát và đăng cảnh báo trên website Cục về các đường link có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo. 

Với các trường hợp có sử dụng người nổi tiếng, văn nghệ sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo, Cục đã gửi công văn cho Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) đề nghị nhắc nhở các văn nghệ sĩ không quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt.

Đại diện Cục cũng thừa nhận hiện nay có một số quảng cáo đặt máy chủ ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng không thể xác định được chủ tên miền website. 

“Sự phối hợp về quản lý quảng cáo giữa các cơ quan chủ quản của đơn vị phát hành quảng cáo và cơ quan chức năng duyệt nội dung quảng cáo chưa được chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có những quảng cáo chưa được thẩm định nội dung mà vẫn được phát hành”, vị đại diện này nói.

Ngoài ra, theo đại diện Cục, một số hình thức quảng cáo như quảng cáo trên website, Internet, các hội thảo, bài viết; quảng cáo qua phương thức truyền tiêu đa cấp... rất khó quản lý nên các doanh nghiệp vẫn lợi dụng các hình thức này để quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng khi có bệnh người bệnh nên tới bệnh viện, cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và chỉ định phác đồ điều trị, không nên tự ý mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo. 

Đại diện Cục cho biết thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. 

“Thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, vị này nhấn mạnh. Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người dùng nên tìm hiểu thông tin trên website các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế, vài năm trước tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc Đông y đã xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook. Những loại thuốc đông y được quảng cáo có công dụng như: Chữa các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý, chữa dứt điểm các bệnh hen suyễn, viêm xoang... khiến nhiều người mắc lừa. Tuy nhiên, khi quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này bị siết thì gần đây quảng cáo thuốc đông y lại bắt đầu chuyển hướng “tấn công” người dùng sang YouTube.

Nguyên nhân nằm ở việc các đơn vị bán thuốc rất chịu chi tiền cho YouTube do lợi nhuận bán hàng lớn. “Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác”, một ý kiến cho biết.

Được quảng cáo như “thần dược” chữa bệnh, giá bán khá đắt từ 400.000-1,5 triệu đồng song thực tế, các loại thực phẩm chức năng đội lốt thuốc đông y này chỉ có giá nhập sỉ vài chục nghìn đồng.

Mô tuýp quen thuộc của những loại quảng cáo thuốc đông y đều là “nhà tôi 3 đời chữa” và khẳng định trị dứt điểm, dùng một liệu trình là khỏi hoàn toàn... Thậm chí, nhiều loại quảng cáo còn lồng ghép logo của các nhà đài; cắt ghép video từ các nhà đài vào video gốc để người xem tin tưởng hơn vào công dụng “thần kỳ” của thuốc. 

Không chỉ vậy, các quảng cáo này còn lấy danh nghĩa là “đông y gia truyền” được nhiều người đã sử dụng và khỏi bệnh để tạo uy tín cho người tiêu dùng. Tuy nhiên theo một số người, những đoạn quảng cáo này phần lớn đều dàn dựng từ nhân vật phỏng vấn đến kịch bản. 

Mặc dù bị xử phạt liên tục, dễ thấy các hoạt động quảng cáo thuốc “núp bóng” thực phẩm chức năng vẫn liên tục biến tướng trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube hay Facebook. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục An toàn Thực phẩm đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền trên 2,9 tỷ. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định.

Trả lời báo chí, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.

“Hiện nay, có một số trang mạng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của tôi để cắt ghép vào video quảng cáo không đúng khiến rất nhiều người hiểu nhầm. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang”, GS.TS Bình chia sẻ.

Theo ông, người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.