Thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi dân chủ
Theo Bộ Nội vụ, sau 10 năm triển khai và thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với xu hướng đất nước đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc thiếu các biện pháp bảo đảm dẫn đến việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở còn lúng túng, hình thức. Nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã, tiêu biểu như: Các vụ khiếu kiện, khiếu nại theo thống kê khoảng 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng,…
Thực trạng thực hiện quy chế dân chủ và vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã còn có nhiều bất cập, thiếu minh bạch. Nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi về văn bản, chính sách từ doanh nghiệp, hiệp hội đối với cơ quan hành chính nhà nước không được phản hồi, giải trình, lập luận lại từ phía cơ quan lấy ý kiến.
Cách thức lấy ý kiến tạo cảm giác là cho đủ thủ tục mà không đạt mục tiêu là văn bản pháp luật cần phản ánh, cân nhắc đầy đủ các quan điểm khác nhau trong xã hội. Chất lượng của quyết định hành chính chưa đáp ứng đúng yêu cầu, thực tiễn, nhiều trường hợp chưa bảo đảm tính hợp pháp, hoặc không hợp lý, không khả thi, chưa thật sự bảo đảm tính công bằng dẫn đến bị khiếu nại, khởi kiện…
Từ những lý do trên, Bộ Nội vụ cho rằng việc nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân.
Để nhân dân làm chủ toàn diện
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đề xuất 05 nhóm chính sách cụ thể: (1) Mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. (2) Đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã. (3) Trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng. (4) Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. (5) Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Theo dự thảo Luật, công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với chính quyền cấp xã trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công dân cũng có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
Đáng chú ý, đối với việc xử lý vi phạm quy định dân chủ ở cơ sở Dự thảo Luật quy định khá nặng. Theo đó, người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào có một trong các hành vi quy định tại Điều 6 của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về những nội dung thông tin, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được công khai để nhân dân biết, Dự thảo đã quy định 14 nội dung chính quyền cấp xã phải làm. Và nhân dân phải được bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật
Đáng chú ý, những nội dung thông tin, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, đó là: (1) Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã. (2) Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã. (3) Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư. (4) Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã./.