Nên làm từ từ
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng- mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng; mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của NLĐ cao hơn thì cũng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Từ khi thực hiện BHXH theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng” (từ năm 1995 đến nay), chính sách BHXH của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Với thời gian đóng BHXH như Việt Nam, các nước chỉ cho hưởng lương hưu 40- 60% nhưng ở Việt Nam mức hưởng lên tới 75% mức đóng. Bây giờ, phải điều chỉnh dần để cân bằng mức đóng, mức hưởng.
Về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Trần Đình Liệu cho biết, có nhiều phương án nâng thời gian đóng, tuy nhiên để cân đối hài hòa, nên làm từ từ, tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 58 tuổi, nam 62. Có thể sau một thời gian nữa sẽ điều chỉnh tiếp. “Trên thực tế, một số nhóm NLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia... đã được nâng tuổi hưu rồi. Đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân của người dân đã lên tới 73 tuổi.
Việt Nam sắp qua giai đoạn “dân số vàng” và bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nếu không có bước chuẩn bị, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế. Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu” – ông Liệu nhấn mạnh.
Về bài toán Quỹ BHXH, thì hiện kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không nâng tuổi hưu thì đến 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư Quỹ, sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào.
Luật BHXH quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Do đó, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối.
2 phương án
Theo Bộ LĐTB&XH, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Tại lần sửa đổi này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do: Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.
Bên cạnh đó, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn... Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên Dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi; Phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng.