“Rộng cửa” cho người tiêu dùng
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dư luận. Trong dự thảo, Bộ này đưa ra 3 phương án biểu giá 5 bậc thang. Trong đó, các phương án đều giống nhau về mức giá áp dụng cho các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng, chỉ khác về các mức giá áp dụng cho những hộ sử dụng trên 700 kWh.
Đáng chú ý, trong số các đề xuất cho số điện từ 701 kWh trở đi có phương án giá điện tăng đến 285% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã quyết định đưa phương án điện 1 giá vào Dự thảo và cho phép người dùng được tự lựa chọn cách tính tiền điện.
Theo phương án biểu giá 5 bậc mà Bộ này phân tích và đề xuất, có tới 98,5% tổng số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng không bị tăng mức tiền điện phải trả. Thậm chí, có trường hợp giảm do tích hợp số điện thứ 51-100 vào bậc 1, với mức giá bằng bậc 1 của biểu giá cũ; Đồng thời tích hợp số điện thứ 301-400 vào bậc 3, với mức giá tương đương mức của bậc 3 cũ (2.340 đồng/kWh), trong khi bậc 4 theo biểu giá cũ là 2.615 đồng/kWh.
Theo phương án 5 bậc thang này, sẽ chỉ có 1,7% số hộ sử dụng từ 700 kWh/tháng trở lên bị tăng tiền điện do Bộ Công Thương đã tách số bậc thang trên 400 kWh của biểu giá cũ thành 2 bậc mới. Cụ thể, từ kWh 401-700 chịu mức giá cũ và trên 701 kWh phải chịu mức giá mới, có thể tăng lên đến 200% so với biểu giá cũ.
Ngoài phương án biểu giá 5 bậc thang, Bộ Công Thương đã đưa phương án điện 1 giá vào dự thảo này, với mức giá tương đương từ 145-155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay (1.846 đồng/kWh), tương đương với mức từ 2.700-2.900 đồng/kWh.
Với đề xuất này, Bộ đã để cho người tiêu dùng được “rộng cửa” lựa chọn cách trả tiền điện hàng tháng hoặc theo phương án 5 bậc thang hoặc là phương án 1 giá. Ngoài ra, còn lưu ý thời gian tối thiểu khi khách hàng muốn thay đổi cách tính giá điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện 1 giá hoặc ngược lại trong 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn).
Một giá chỉ có lợi cho nhà giàu?
Việc đưa thêm phương án 1 giá điện vào Dự thảo cho thấy Bộ Công Thương đã lắng nghe dư luận xã hội trong quãng thời gian tiến hành cải tiến biểu giá điện để sửa đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, phương án này cũng bị chỉ trích vì nhiều ý kiến không đồng tình với mức giá mà Bộ Công Thương đưa ra.
“Phương án 1 giá điện này chỉ làm lợi cho người giàu thôi! Những người sử dụng trên 700 kWh/tháng sẽ thỏa sức dùng điện mà không lo đến việc trả tiền điện vì mức giá mới áp dụng chỉ bằng trên 50% so với mức giá cũ”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định với PLVN.
Cụ thể, ông Ngãi phân tích: biểu giá 6 bậc thang, người dùng trên 700 số điện/tháng phải trả 3,1 triệu đồng/tháng; Với biểu giá 5 bậc thang mà Bộ mới đưa ra, người dùng sẽ phải trả 3,3 triệu đồng/tháng. Còn với phương án 1 giá, người sử dụng điện chỉ phải trả trên 2 triệu đồng/tháng, cách rất xa so với số tiền họ phải trả theo phương án cũ và phương án 5 bậc mới.
Với phương án 1 giá, theo ông Ngãi, Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ thiệt hại nặng do những người sử dụng điện trên 700 kWh/tháng sẽ đồng loạt lựa chọn phương án 1 giá vì họ được giảm đến 30% số tiền điện phải trả so với trước đây, còn những người sử dụng dưới 700 kWh/tháng chắc chắn lựa chọn biểu giá 5 bậc thang do phù hợp hơn so với 1 giá.
Ở luồng ý kiến thứ 2, đa số đều cho rằng, Bộ Công Thương đưa giá mức giá điện 1 giá quá cao trong khi hầu hết đều mong muốn mức 1 giá bằng với mức giá khởi điểm của bậc 1 hoặc bậc 2 cũ, không thể “đồng giá ở mức bậc thang từ 400 kWh”.
Vị đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, mong muốn này là chính đáng do người tiêu dùng luôn muốn trả giá thấp nhưng chưa làm hài hòa lợi ích nhà nước và nhân dân. Bởi đầu tư nguồn điện rất lớn, nếu không có lãi thì không ai làm điện. Hơn nữa, giá điện hiện nay do nhà nước quản lý và quyết định, phải bảo đảm vừa ổn định xã hội vừa phát triển kinh tế nên không thể đưa ra mức giá không có lãi cho ngành điện.
Vì thế, không nên đề xuất phương án 1 giá điện như Bộ Công Thương đã đưa ra vì không khuyến khích việc tiết kiệm điện, trong khi hiện nay đầu tư nguồn điện đang gặp khó. Hoặc nếu muốn đưa ra phương án 1 giá thì phải đảm bảo mức chênh lệch khi lựa chọn phương án này không nhiều như phương án hiện nay của Bộ.