Chú trọng ưu đãi về thuế, phí
Nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang dùng xe ô tô điện, mới đây, tại Dự thảo “Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện”, Bộ GTVT đưa ra nhiều đề xuất như: Với sản xuất, lắp ráp ô tô điện, cần ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí...); Miễn, giảm thuế đối với việc nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền, linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện; Có cơ chế ưu đãi tiếp cận vốn cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện… Với người sử dụng ô tô điện, Bộ đề xuất giảm lệ phí trước bạ (LPTB), lệ phí đăng ký biển số; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện…
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, nhiều DN đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; Miễn thuế GTGT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; Miễn LPTB trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022; Trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), LPTB lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo; Đồng thời trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.
Bộ GTVT cũng kiến nghị miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Miễn thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.
Cần tổng kết, đánh giá các chính sách về xe điện
Những đề xuất trên của Bộ GTVT được đánh giá khá chi tiết, đặt lợi ích của DN, khách hàng lên hàng đầu, với mong muốn khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện, vì môi trường. Tuy nhiên, mới đây, dưới góc nhìn lợi ích Nhà nước, Bộ Tài chính đã có những góp ý về Dự thảo trên của Bộ GTVT, trong đó đáng chú ý là bác nhiều nội dung liên quan đến ưu đãi thuế, phí.
Theo Bộ Tài chính, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghệ hỗ trợ ô tô, bao gồm cả các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ở tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ô tô điện tại Dự thảo Báo cáo mà chỉ nên đề xuất theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ô tô điện đã được ban hành.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ô tô, đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Theo TS Nguyễn Đức Tuyên - Chuyên gia hệ thống điện và năng lượng tái tạo (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay ở Việt Nam đang thiếu hạ tầng cho phát triển xe điện. Ngoài ra, nước ta còn đang thiếu các tiêu chuẩn về phát triển xe điện. Do đó, theo ông Tuyên, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn điện với hệ thống sạc, thay thế pin và ắc quy...
Ngoài ra, cần tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách đã có, nhất là các chính sách về thuế, phí trong việc hỗ trợ phát triển xe điện; qua đó rút ra được các kinh nghiệm, bổ sung thêm các chính sách mới nếu cần thiết để việc phát triển xe điện được thực hiện hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc. Theo thống kê của Bộ GTVT, đến tháng 7/2023, cả nước có gần 12.600 xe ô tô điện.