Theo đó, dự thảo thông tư này quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với khám sức khỏe để phân loại sức khỏe khi đi học, đi làm việc, người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài…, tiêu chuẩn sức khỏe đối với khám sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp, công việc đặc thù.
Thông tư này được áp dụng đối với các đối tượng đề nghị khám sức khỏe, các cở sở y tế thực hiện khám sức khỏe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, Bộ Y tế có đưa ra các tiêu chuẩn sức khỏe lái xe ô tô các hạng; tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt (gồm những người trực tiếp phục vụ chạy tàu; lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, nhân viên gác ghi…); tiêu chuẩn của thuyền viên làm việc trên tàu biển; tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên hàng không (lái máy bay; tiếp viên hàng không; người điều khiển tàu lượn, khinh khí cầu; kiểm soát viên không lưu…).
Trong đó, dự thảo đưa quy định chung về sức khỏe với nhân viên hàng không: có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30; chỉ số vòng ngực trung bình từ 50% trở lên so với chiều cao.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành (trừ người có thai), nếu có BMI trong khoảng 25 - 29,9 được xem là thừa cân, BMI từ trên 30 được xem là béo phì. BMI trên 40 được coi là bệnh béo phì và trên 50 là bệnh béo phì nặng.
Ngoài các tiêu chí chung cho nhân viên hàng không nêu trên, với các nhóm nghề nghiệp cụ thể, dự thảo đưa ra tiêu chuẩn như: Người lái máy bay thương mại là nam giới cần có chiều cao từ 1,65m và cân nặng từ trên 52 kg; nữ cần cao từ 1,58m và cân nặng từ trên 50 kg.
Với tiếp viên hàng không, nam cần cao từ 1,62m trở lên, nặng từ 52 kg trở lên; nữ cần cao từ 1,58m và nặng từ 45 kg trở lên.
Như vậy, nếu quy định vòng ngực phải bằng từ 50% chiều cao cơ thể trở lên, điều đó có nghĩa: Nữ tiếp viên hàng không cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 81cm. Nữ phi công cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 82,5cm.
Ngoài ra, với tiêu chuẩn người lái xe các hạng, dự thảo có nêu, nếu có một trong các tình trạng bệnh, tật bên dưới thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.
Người lái xe hạng A1: đang rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi, liệt vận động từ hai chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định...
Người lái xe hạng B1: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi nhưng chưa đủ 6 tháng, động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng mà không dùng thuốc, chóng mặt do các bệnh lý, liệt vận động từ hai chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), song thị, dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định...
Người lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng, động kinh, liệt vận động một chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), song thị, quáng gà, dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định, các thuốc điều trị làm ảnh hưởng khả năng thức tỉnh, lạm dụng chất kích thần, chất gây ảo giác...
Theo dự thảo, người đề nghị cấp giấy khám sức khỏe có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.