Tại tờ trình, Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD, tương đương 111 ngàn tỷ đồng.
Theo tờ trình, theo quy định tại Nghị quyết 94/2015 dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp (DN). Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư các hạng mục chính của dự án giai đoạn 1 bằng vốn của DN "là có thể xem xét chấp nhận được". Nhưng do đây là dự án cảng hàng không mới, nên theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nên việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua.
Nói lý do chọn ACV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, tổ chức nào làm cũng được, nhưng "nếu ACV làm sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo".
Hiện vốn nhà nước đang chiếm 95% tại ACV và sẽ tăng lên gần 100% thời gian tới thông qua chủ trương tăng vốn nhà nước rót vào làm một số đường bay tại 21 sân bay đơn vị này đang quản lý.
Ông Thể cũng cho biết, ACV đã cân đối được 37% vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1. Cụ thể theo tờ trình, phương án bố trí vốn để ACV triển khai các hạng mục chính cho giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gần 4,2 tỷ USD, tương đương trên 98 ngàn tỷ. Đến cuối năm 2018, DN này đã tích lũy được lượng tiền mặt gần 24.270 tỷ đồng và dự tính sẽ tích lũy gần 12.340 tỷ đồng trong 8 năm tới nhờ kết quả sản xuất kinh doanh. Vì thế, tổng số tiền ACV bố trí vốn chủ sở hữu thực hiện là hơn 36.607 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Số vốn còn lại, hơn 2,6 tỷ USD, ACV sẽ đi vay.
"Huy động chứ không phải hợp tác vì sân bay quốc tế là không cổ phần hóa", ông Thể nói và nhấn mạnh, phần vốn huy động từ bên ngoài của ACV sẽ được tính toán để quản lý, đảm bảo an toàn cho Long Thành.
Tuy nhiên, đề xuất này lại không nhận được đồng tình từ phía các thành viên Ủy ban Kinh tế. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban băn khoăn, nếu Chính phủ kiến nghị giao việc thực hiện cho ACV đầu tư các hạng mục chính sẽ là "chỉ định thầu, vì theo Luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu". "Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội cái này hay không?", ông Thanh nói.
Chưa kể, hiện ACV đầu tư xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Điện Biên. Với khối lượng công trình đang rót vốn lớn thì "tài chính của ACV có làm được không", ông Thanh hỏi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu, chứ không xin chỉ định một DN cụ thể như vậy. Ông cũng đề nghị, hồ sơ trình cần làm rõ việc giao một DN đầu tư các hạng mục chính sẽ tác động ra sao, có vi phạm các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia hay không?
Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục:
Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN.
Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.