Mới xử lý được 7% tổng nợ xấu
Đề cập đến kết quả đưa nợ xấu về dưới ngưỡng 3% tổng dư nợ tín dụng, ông Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong một cuộc họp báo mới đây khẳng định, có được kết quả này phần nào là do các khoản nợ xấu đã được chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như tổng tín dụng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo ông Sandeep Mahajan, cho đến tháng 10/2015, VAMC thông báo đã mua tổng cộng 226 nghìn tỷ VND nợ xấu, tương đương 10 tỷ USD. VAMC đã dùng trái phiếu của mình để mua các khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra chậm chạp, VAMC mới xử lý được khoảng 7% tổng nợ xấu bằng cách bán khoản nợ xấu đó hoặc các tài sản thế chấp…
“Công việc xử lý nợ xấu bị chậm là do VAMC không có đủ quyền sở hữu hợp pháp đối với khối tài sản này, thiếu một khung pháp lý thích hợp đối với việc giải quyết các trường hợp mất khả năng thanh toán, chuyển đổi quyền sở hữu, tịch biên tài sản thế chấp và bảo vệ nhân viên VAMC liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong việc bán tài sản thấp hơn giá trị sổ sách…”- Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam phân tích.
Trước đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực đã có, điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ xấu, rót thêm vốn cho các ngân hàng để giải quyết hiệu quả các khoản nợ khó đòi, làm sạch bảng cân đối tài sản để có khả năng tiếp tục cấp tín dụng một cách lành mạnh, bền vững.
Gỡ vướng xử lý nợ xấu
Theo phân tích từ Báo cáo của Nhóm Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 vừa qua, quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
Ông Nirukt Sapru, Trưởng nhóm Ngân hàng dẫn chứng: Trường hợp khách hàng không hợp tác với ngân hàng (trong hầu hết các trường hợp nợ xấu), ngân hàng phải khởi kiện khách hàng ra tòa án và mất từ 1-2 năm để nhận bản án/quyết định của tòa. Sau khi nhận được bản án/quyết định hòa giải thành, ngân hàng phải nộp đơn yêu cầu thi hành án và phải mất từ 2-3 năm để bán đấu giá xong tài sản đảm bảo.
“Quá trình xử lý mất nhiều thời gian đã làm tăng chi phí xử lý nợ xấu và giảm giá trị của tài sản đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quá trình thu hồi nợ…”- ông Nirukt Sapru lưu ý.
Cũng theo báo cáo của Nhóm Ngân hàng, các quyết định và yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án là bất hợp lý. Trong nhiều trường hợp, chính các yêu cầu này đã khiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng để thu hồi nợ đi đến chỗ bế tắc. Trường hợp khách hàng cá nhân bỏ trốn, tòa án không thụ lý đơn kiện hay ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do không thể tìm thấy nơi cư trú hiện tại của bị đơn.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn về nước của họ, cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp thông qua Bộ Ngoại giao để tống đạt các quyết định, văn bản của cơ quan thi hành án đến những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trong thực tế, thủ tục này mất rất nhiều thời gian, có thể không mang lại kết quả gì và trì hoãn quá trình bán đấu giá tài sản nhiều năm.
Nhóm công tác này cũng chỉ ra việc xử lý tài sản không thông qua tòa án không khả thi. Thông tư liên tịch số 16 ngày 6/6/2014 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp. Tuy nhiên, vì không có sự hỗ trợ tích cực của cơ quan công an và chính quyền địa phương trong việc giúp ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo nên việc áp dụng Thông tư 16 không khả thi.
Do vậy, Nhóm Ngân hàng kiến nghị một số giải pháp như: Rút ngắn thời gian xử lý vụ việc của tòa án và cơ quan thi hành án; trường hợp khách hàng cá nhân hay người đại diện theo pháp luật của khách hàng doanh nghiệp bỏ trốn, tòa án có thể mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn và không cần thiết thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp; Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành một khung khổ pháp lý chi tiết, rõ ràng quy định sự phối hợp giữa công an và các cơ quan liên quan để hỗ trợ tích cực cho ngân hàng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo và xử lý thu hồi nợ mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của bên thế chấp.
Theo Nhóm Ngân hàng, giải quyết được những khó khăn và trở ngại trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng.