Đề xuất cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ghế trước ôtô: Cần quy định cụ thể

Trẻ nhỏ ngồi ghế trước của ô tô có nguy cơ mất an toàn. Hình minh họa
Trẻ nhỏ ngồi ghế trước của ô tô có nguy cơ mất an toàn. Hình minh họa
(PLVN) - Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đề xuất quy định trẻ em dưới 12 tuổi (hoặc trẻ có chiều cao dưới 1,35m) không được ngồi ghế phía trước ô tô và trẻ em dưới 4 tuổi phải có ghế chuyên dụng. Dư luận quan tâm việc thực hiện quy định này sẽ được triển khai như thế nào? Các quy định về chiều cao, độ tuổi có phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam hay không?

Các nước quy định như nào?

Trong những năm gần đây, người dân Việt sở hữu ô tô ngày càng nhiều. Một trong nhiều lý do người dân ưa chuộng ô tô là tiện việc đưa đón con nhỏ. Tuy nhiên, nhiều số liệu thống kê cho thấy, trẻ em ngồi ghế trước có nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tại hầu hết các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc phải ngồi ở hàng ghế sau của ô tô. Ở các nước này, luật quy định về chỗ ngồi rất cụ thể đối với từng đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi.

Chẳng hạn, tại Mỹ, Luật An toàn giao thông quy định, trẻ em từ 2 - 4 tuổi bắt buộc phải ngồi ghế gấp dạng nôi chuyên dụng quay mặt về phía sau ở hàng ghế sau; trẻ từ 4 - 7 tuổi phải ngồi trong ghế gấp chuyên dụng quay mặt về phía trước ở hàng ghế sau; trẻ từ 7 - 10 tuổi phải ngồi ghế gấp an toàn bổ sung ở hàng ghế sau; trẻ từ 10 - 12 tuổi phải được thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau.

Việt Nam trước đây chưa có các quy định điều chỉnh về vấn đề này. Theo đề xuất của Bộ Công an, tại Khoản 4, Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ trong dự thảo quy định: trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.

Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Nếu đề xuất trên của Bộ Công an được thông qua, thói quen của nhiều gia đình sẽ phải thay đổi. Sẽ không còn cảnh chồng lái xe, vợ bế con nhỏ nữa mà những bé dưới 4 tuổi phải ngồi ghế an toàn riêng....

Khó xử lý vi phạm?

Trao đổi với báo chí, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, đây là quy định nhằm đảm bảo ATGT, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tại các nước khác, các chỉ tiêu về chiều cao, cân nặng đã được nghiên cứu trước khi đưa ra quy định.

Còn tại ở Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào về các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em liên quan đến độ tuổi và chiều cao. Vì vậy, cần có nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học quy định này, xác định yếu tố nào, độ tuổi hay chiều cao là quan trọng. Bởi thực tế hiện nay nhiều trẻ 12 tuổi nhưng đã cao hơn cả bố mẹ.

“Thêm nữa, quy định này cũng chưa rõ, với trẻ dưới 4 tuổi bắt buộc phải có ghế chuyên dụng, trong trường hợp bố hoặc mẹ lái xe một mình thì cũng bắt buộc phải để trẻ ở hàng ghế phía sau?” - ông Sùa đặt câu hỏi.

GS. TS. Chu Công Minh - Phó Chủ nhiệm Bộ môn cầu đường, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, đây là quy định được nhiều nước khuyến cáo vì an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, đối với điều kiện Việt Nam, trong quá trình xử lý vi phạm sẽ rất khó khăn.

“Không lẽ phụ huynh lúc nào cũng phải để trên xe giấy khai sinh hay hộ khẩu để khi bị kiểm tra chứng minh với cảnh sát rằng mình không vi phạm? Nếu xử phạt không công tâm sẽ rất phiền toái cho người dân và gây tranh cãi trong quá trình xử lý”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi vi phạm rất rõ ràng, không tranh cãi về căn cứ họ mới xử phạt. Điều này tạo sự đồng thuận cho người dân và dễ thực thi cho lực lượng chức năng.

Ông Minh cũng nêu quan điểm cần phải thực hiện thí điểm trước khi đưa ra áp dụng: “Để thuyết phục người dân về một quy định mới nào đó thì cần phải thử nghiệm, so sánh giữa quy định đã áp dụng và chưa áp dụng có tác động thế nào đến cuộc sống của họ. Nếu không thực hiện được thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm thì cũng chỉ có thể lấy kinh nghiệm từ nước ngoài để áp dụng”.

“Nhiều nước trước khi đưa ra quy định có tác động lớn đến người dân họ thường có một khoảng thời gian nhất định để khuyến cáo, sau đó mới ban hành luật. Việt Nam cũng nên theo kinh nghiệm này, trước mắt nên tuyên truyền, khuyến cáo, áp dụng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, sau đó mới đưa vào luật. Nếu áp dụng đại trà ngay tôi e sẽ khó thực hiện, vì ngay cả lực lượng chức năng cũng chưa có kinh nghiệm thực thi”, ông Minh góp ý.

Vì thế, để khả thi trong việc thực hiện quy định của đề xuất trên của Bộ Công an, các cơ quan soạn thảo luật cần đưa ra những nội dung cụ thể, rõ ràng hơn.  

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.