Bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ trong việc xét tặng
Bộ Y tế cho biết, từ năm 1986 đến năm 2020, qua 13 lần xét tặng đã phong tặng được 649 thầy thuốc nhân dân và 10.844 thầy thuốc ưu tú. Qua đó, cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Y tế nói chung, đối với đội ngũ thầy thuốc nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa đạng, hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm và diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới (đặc biệt là sau đại dịch COVID-19), biến đổi khí hậu...
Trước yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ thầy thuốc và thực tiễn qua các lần xét danh hiệu theo quy định Nghị định 41/2015/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần được thay thế cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
Tại Dự thảo Nghị định, ngoài các đối tượng xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành Y, lương y, lương dược và cán bộ quản lý y tế như quy định hiện hành, Bộ Y tế đã bổ sung thêm hộ sinh cũng là đối tượng được xét tặng danh hiệu.
Đáng chú ý, Dự thảo đã bổ sung 4 nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. Theo đó, không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước bao gồm “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. Các thành tích để xét tặng danh hiệu phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Y tế.
Bộ Y tế yêu cầu, phải bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện trong việc xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”.
Đồng thời, việc xét tặng danh hiệu phải chú trọng tới các thầy thuốc trực tiếp làm việc tại cơ sở y tế; thầy thuốc công tác trong các lĩnh vực phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, HIV/AIDS, thầy thuốc công tác tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng, thầy thuốc công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”
Đối với danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, Dự thảo quy định danh hiệu này được xét tặng cho các cá nhân có thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế và đã được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Đồng thời đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau:
Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật; có ý thức tổ chức kỷ luật; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân. Đồng thời, có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh; có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, là tấm gương sáng, mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong ngành Y tế;…
Đặc biệt, Bộ Y tế cho biết, so với quy định hiện hành, tại Dự thảo, Bộ đề xuất bổ sung quy định về thành tích nghiên cứu khoa học. Theo đó, người được đề xuất danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” phải là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu; hoặc chủ nhiệm ít nhất 1 đề tài nhánh đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước; hoặc chủ nhiệm ít nhất 1 sáng kiến ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Hội đồng Sáng kiến cấp bộ, cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận sáng kiến; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả ít nhất 1 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc tác giả chính một bài báo khoa học đã được công bố quốc tế.
Đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, tỉnh hoặc được tặng Huân chương Lao động hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hoặc Huân chương Chiến công từ hạng Ba trở lên hoặc đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” sẽ được xét tặng 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02), theo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.