Bổ sung mô hình Quỹ tiết kiệm năng lượng
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau hơn 13 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng NLTK&HQ và các luật liên quan. Cụ thể, nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực sử dụng NLTK&HQ quy định tại Luật còn khoảng trống, dẫn đến không được hướng dẫn, quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật để áp dụng trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng. Luật cũng chưa quy định hình thái hoạt động và các giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp, không có cơ quan độc lập để kiểm định chất lượng dịch vụ kiểm toán năng lượng, tư vấn năng lượng. Đặc biệt là chưa quy định hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường TKNL thông qua cơ chế thực hiện các hợp đồng hiệu quả năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công Thương đã bổ sung mô hình Quỹ TKNL nhằm hỗ trợ các hoạt động của công ty dịch vụ năng lượng, nghiên cứu các công cụ tài chính như bảo lãnh vốn, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thực hiện; Nghiên cứu đề xuất các công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn; Cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua ESCO cho các dự án TKNL và có tính khả thi về tài chính nhưng thiếu vốn ban đầu và đang tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy đầu tư TKNL...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị cần xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay; Quy định chi tiết hơn (bắt buộc) về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải; Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương.
Cần có chế tài cụ thể về sử dụng năng lượng
Ông Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất đủ năng lượng để cung ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong khi đó, trong thời gian vừa qua, pháp luật về sử dụng TKNL “chỉ hiệu triệu, khuyến khích trên các quy định, trên giấy tờ, chứ chưa có xử lý chế tài nào nhất định đối với những cơ quan, đơn vị sử dụng nhiều năng lượng”. Do đó, cần phải xem xét lại thật kỹ càng để việc sử dụng TKNL phải được thực hiện triệt để ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó, cần có quy định cụ thể về sử dụng năng lượng ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tiêu dùng năng lượng thật sự hiệu quả.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì TKNL (cùng với năng lượng tái tạo) đóng vai trò rất quan trọng để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Trong khi đó, Luật và các văn bản dưới luật về các vấn đề liên quan hiện nay còn nhiều hạn chế nên việc thực thi chỉ dừng ở mức khuyến khích và tự nguyện. Đó là lý do dẫn đến kết quả thực hiện sử dụng NLTK&HQ không cao.
Ông Thi cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ luật thì Nhà nước cũng cần bắt buộc các doanh nghiệp có lộ trình cụ thể, kế hoạch hành động rõ ràng trong việc quản lý, thực hiện các giải pháp TKNL cũng như đổi mới công nghệ để đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu trong khoảng thời gian nhất định mà doanh nghiệp vẫn không tuân thủ các quy định về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thì sẽ bị xử lý bằng các chế tài mạnh mẽ và có thể dẫn đến phải đóng cửa.