Bộ Y tế cho biết, Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2011. Thời gian qua, việc thực hiện Luật đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, Luật khám bệnh, chữa bệnh đưa ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân thông qua việc quản lý hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh. Bên cạnh đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh tạo sự công bằng, bình đẳng giữa khu vực khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và khu vực khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân. Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người hành nghề và giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân tăng cường công tác quản lý người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường vai trò của các Hội nghề nghiệp và cộng đồng trong việc tư vấn, đào tạo, giám sát hoạt động Hội nhập với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới thông qua việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề khi hành nghề trong nước và ở nước ngoài…
Tuy nhiên đến nay, một số nội dung của Luật khám bệnh, chữa bệnh chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được với mục tiêu mong đợi, một số quy định còn chưa hội nhập với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực.
Cụ thể như: Đối với đối tượng hành nghề, quy định về phạm vi đối tượng chưa hợp lý dẫn đến còn nhiều đối tượng hành nghề (cán bộ khối dự phòng, y tế cơ sở) chưa được theo dõi, quản lý. Quy định bắt buộc người đăng ký hành nghề trải qua thời gian thực hành lâm sàng nhất định tại các cơ sở y tế nhưng không quy định cụ thể về nội dung, yêu cầu năng lực đầu ra và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành. Quy định của cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 1 lần dựa trên hồ sơ gây khó khăn cho việc đánh giá năng lực khi cấp mới và theo dõi thường xuyên năng lực làm căn cứ cấp lại hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, do quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động 1 lần nên các cơ quan quản lý khó có thể theo dõi, giám sát và thu hồi giấy phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở công lập sẽ khó thực hiện quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vì đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tuyển dụng phụ thuộc vào nguồn đầu tư nhà nước.
Những quy định về triển khai hoạt động khám chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật mới, sai sót chuyên môn… cũng còn những điểm chưa phù hợp, khó thực hiện.
Một số quy định chung về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động không phù hợp với thông lệ quốc tế gây khó khăn cho việc hội nhập với các nước về khám bệnh, chữa bệnh: Hiện nay ngoài Việt Nam không có một quốc gia nào cấp chứng chỉ hành nghề một lần, vấn đề cập nhật kiến thức y khoa liên tục là một nội dung hết sức quan trọng để duy trì và phát triển năng lực của người hành nghề, tuy nhiên các cơ chế để kiểm soát việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục chưa được quy định cụ thể trong Luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát quá trình cập nhật kiến thức y khoa liên tục của người hành nghề...
Bởi vậy, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ Y tế, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung đối với Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Bộ Y tế đề nghị xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với mục tiêu tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.