Đề nghị các bộ, ngành quan tâm công tác xây dựng pháp luật

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp.
(PLVN) - Sáng nay, 15/8, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến nay, mới có 8/28 bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

Nguồn nhân lực cho công tác pháp chế chưa có đột phá

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là khâu trọng tâm, đột phá.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá, nhất là pháp chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp tổng thể, mang tính đột phá cho vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó có gần 3.000 người làm pháp chế chuyên trách và gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Tại các bộ, ngành Trung ương có 89 tổ chức pháp chế và tại các địa phương có 65 phòng pháp chế.

Bộ trưởng thông tin, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, còn lại 20/28 thứ trưởng phụ trách.

Liên quan đến kinh phí, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42. Theo đó, quy định cụ thể về mức chi cho xây dựng luật, nghị định, thông tư…

“Nhìn chung, mức chi như vậy còn thấp, nhưng để có mức chi cải thiện theo Thông tư 42 là cả một quá trình”, Bộ trưởng nói và nêu quan điểm cố gắng thu xếp trong khuôn khổ Nhà nước hỗ trợ.

Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành quan tâm, các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. “Kinh nghiệm cho thấy bộ trưởng nên trực tiếp chỉ đạo công tác này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá, số lượng làm công tác pháp chế hiện cực mỏng nếu nhân với số lượng các văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ ngành phải soạn thảo, ban hành góp ý, khó đáp ứng được yêu cầu. Một số bộ ngành chưa ưu tiên cho công tác pháp chế, kinh phí cho công tác này còn thấp.

Nêu giải pháp khắc phục, Bộ trưởng đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 55, trong đó xây dựng chức danh "pháp chế viên", từ đó dần dần theo các tiêu chuẩn, chế độ chính sách để có cải thiện.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng phản ánh tình trạng có lúc có tình trạng thông tư của các bộ, ngành chồng chéo, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ những giải pháp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, quy định về thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối rõ. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản là những chủ thể được quyền trình luật và chủ động tự kiểm tra, rà soát khi ban hành các văn bản.

Về phía Bộ Tư pháp, ngoài những việc như các bộ, ngành thì Chính phủ giao thêm nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và xử lý văn bản. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp không tự động kiểm tra tất cả các văn bản mà trước hết, các bộ, ngành phải tự kiểm tra, Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc khi văn bản có dấu hiệu vi phạm.

Việc kiểm tra tập trung làm rõ so với văn bản trên thì có trái nội dung, thẩm quyền hay không và một số nội dung liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản, câu từ… Qua thực tiễn vừa qua cho thấy đa phần các văn bản trái về nội dung.

Đối với chất vấn của đại biểu về việc nếu chỉ hậu kiểm thì có đủ đảm bảo chất lượng các văn bản được ban hành, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, nếu thực hiện tiền kiểm thì tốt nhưng khả năng tiền kiểm thông tư hiện vẫn chưa làm được, mà cần tập trung vào văn bản pháp lý cao hơn.

Có tình trạng sợ trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định có tình trạng nêu trên. Điều này không chỉ Chính phủ, Bộ Tư pháp nói mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và diễn đàn QH cũng nói nhiều. Tuy nhiên, để lượng hóa là rất khó.

“Thực tế, có một số trường hợp cứ không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thi hành pháp luật”, Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng nhắc lại đánh giá giữa nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, theo đó nói rằng khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật.

Trên thực tế, theo Bộ trưởng, nhiều khi do không xem xét các vấn đề trên tổng thể nên nói là do hệ thống pháp luật.

Các báo cáo rà soát đưa ra một số kiến nghị, nói rằng đó là vướng mắc nhưng trên thực tế nếu nghiên cứu kỹ thì có một số nội dung không phải như vậy. Hoặc một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa...

“Câu chuyện đó cộng với ảnh hưởng “việc nọ, việc kia” trong bối cảnh hiện nay nên các bộ, các ngành không chủ động. Cho nên có những trường hợp đáng lẽ soạn thảo, ban hành thông tư thủ tục bình thường thì cứ trao đi đổi lại về việc làm thủ tục rút gọn. Cuối cùng mất tới 4-5 tháng để xem có “chốt” có xây dựng văn bản theo thủ tục rút gọn hay không thì thà làm chính thức ngay từ đầu. Trên thực tế có như vậy”, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để ban hành một số quy định về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan ở tầm luật.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân cấp nói chung đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Nội dung cơ bản nhất là về tổ chức bộ máy thì được nêu tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề khó là các quy định về phân cấp, phân quyền nằm rất nhiều ở các luật chuyên ngành, như đất đai, tài chính. Vì vậy, trong quá trình phân cấp, có những nơi phân cấp về thẩm quyền nhưng thủ tục không có.

“Đây là điểm vướng. Văn bản riêng về phân cấp sẽ khó có thể sàng lọc được những nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì vậy, nội dung cơ bản nhất là cố gắng thể chế hóa tốt hơn các quy định của Hiến pháp và chiếu từ quy định phân cấp trong Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành sẽ phân cấp từng ngành, lĩnh vực cụ thể”, Bộ trưởng nêu giải pháp.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) nêu vấn đề, hiện nay, việc thu hút người làm giám định tư pháp rất khó khăn, nhất là giám định pháp y vì hoạt động giám định tư pháp rất vất vả và độc hại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có chính sách và biện pháp gì để giúp địa phương thu thút người làm công tác giám định tư pháp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đến nay, chúng ta đã có quy định về chi phí, nội dung giám định nhưng thu hút nhân lực là rất khó. Nêu lý do, Bộ trưởng cho hay, đây là nghề rất chuyên môn, nhưng chi phí còn “tệ” hơn xây dựng pháp luật, chi phí giám định chỉ là 180.000/một giám định viên làm việc 8 tiếng và từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được cải thiện.

“Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận ra vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao đang soạn thảo và dự kiến sẽ trình UBTVQH về Pháp lệnh chi phí tố tụng giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, cố gắng xử lý một số vấn đề”, Bộ trưởng thông tin.

Về hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” nhưng không nhiều, chỉ là ngoại lệ. Để khắc phục, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ có căn chỉnh để làm tốt hơn, siết chặt hơn các điều kiện tham gia đấu giá.

Đọc thêm

Diễn đàn cấp cao Việt Nam – Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khuôn khổ Dự án JICA

Diễn đàn cấp cao Việt Nam – Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khuôn khổ Dự án JICA
(PLVN) -Sáng 26/4, Bộ Tư pháp và các cơ quan đối tác pháp luật và tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản, JICA Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao lần thứ nhất trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 -2025 - một dự án hợp tác quốc tế gắn chặt và là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Tổ chức thành công hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2024”

Tổ chức thành công hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2024”
(PLVN) - Trong không khí tuổi trẻ cả nước hướng tới chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/1924), Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2024” tại đảo Bạch Long Vĩ .

Trao Quyết định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp cho ông Đỗ Xuân Quý

Trao Quyết định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp cho ông Đỗ Xuân Quý
(PLVN) - Ngày 25/4, Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Ban thường vụ Đảng ủy tháng 04/2024. Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

Bắc Kạn giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024

Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024 tại Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Thu)
(PLVN) - Ngày 24/4, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và truyền hình trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
(PLVN) - Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Tổ công tác về lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham dự cuộc họp còn có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành.

Hải Phòng: Chi cục THADS quận Đồ Sơn hoàn thành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Lực lượng tham gia cưỡng chế di chuyển tài sản của người phải THA ra khỏi khu vực cưỡng chế.
(PLVN) - Ngày 24/4, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đồ Sơn đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế để chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Vui chơi Giải trí Đồ Sơn (địa chỉ tại Khu dân cư số 8, đường 353, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.