Kết quả khảo sát của Hiệp hội TPCN Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng TPCN đang tăng nhanh, nhất là ở người trưởng thành cho các mục đích thẩm mỹ, tăng sức đề kháng và cả trị bệnh. Tuy nhiên, do lòng tham của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng cũng như thiếu một công cụ pháp lý đủ mạnh, thị trường TPCN đã bị rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, nhất là sự lan tràn của các loại sản phẩm TPCN đi theo những đường tiểu ngạch vào thị trường nội địa mà không được các cơ quan chức năng kiểm soát.
Tại diễn đàn QH ở Kỳ họp thứ 3 vừa qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đề nghị quản lý chặt chẽ hơn về vấn đề TPCN vì “vẫn có nhiều doanh nghiệp lợi dụng công dụng của TPCN để tung ra thị trường những TPCN với giá “trên trời”, cung cấp thông tin sai lệch, lừa đảo người tiêu dùng”. Bên cạnh đó, dù Thông tư 09 của Bộ Y tế có quy định tất cả quảng cáo TPCN đều phải được thẩm định nội dung nhưng “trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc quảng cáo vẫn gây cho người dân sự hiểu lầm giữa thuốc chữa bệnh và TPCN.
Đồng thời khi kết thúc các màn quảng cáo về TPCN thì đều kèm theo một khuyến cáo (được in bằng chữ rất nhỏ và đọc rất nhanh) “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” – bà Thảo đặt vấn đề để yêu cầu được biết giải pháp của các cơ quan chức năng trong việc giúp người dân hiểu đúng, dùng đúng và tiếp cận được với những sản phẩm TPCN có chất lượng, đảm bảo sức khỏe.
Do vậy, điều thị trường cần là có căn cứ pháp lý và cơ chế quản lý để đảm bảo cho các sản phẩm TPCN kém chất lượng không có cơ hội “đội lốt” các sản phẩm thực sự, trà trộn trên thị trường để làm hại người tiêu dùng. Dưới góc độ quản lý nhà nước về thị trường thuốc và TPCN, ngành Y tế đã soạn thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý TPCN, trong đó có đề nghị xây dựng Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn TPCN.
Đặc biệt, như giải pháp của lãnh đạo Cục ATTP (Bộ Y tế), cần tăng cường thanh kiểm tra để “thanh lọc” các cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN, cũng như các sản phẩm TPCN không đảm bảo chất lượng mới đưa được thị trường TPCN về đúng quỹ đạo, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.