1 ca bệnh bạch hầu tử vong tại Cao Bằng

Phun khử trùng xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B.
Phun khử trùng xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua xét nghiệm đã xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) dương tính với bệnh bạch hầu.

Trước đó, cháu G.M.H (sinh năm 2013, dân tộc Mông, trú tại Khau Noong, xã Thạch Lâm) ho cách đây 1 tháng, gầy sút cân kèm theo sốt nhưng vẫn đi học bình thường. Khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, cháu H bị ho nhiều kèm theo đờm có lẫn máu, khó thở, người mệt không ăn uống được, ở nhà đã uống thuốc nhưng không đỡ.

Đến ngày 20/11, gia đình đưa cháu H đến Trung tâm y tế huyện để khám và điều trị. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, theo dõi lao phổi/chưa phân loại bạch hầu, nấm hầu họng, đau bụng chưa xác định và được điều trị tại khoa truyền nhiễm theo phác đồ điều trị.

Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, ngay sau đó, Trung tâm y tế huyện đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.

Quá trình điều trị bệnh diễn biến nặng, đến 20h30 ngày 20/11, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu nhưng không có kết quả, bệnh nhân tử vong 21h cùng ngày.

Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Bảo Lâm tiến hành phun khử khuẩn nơi sinh sống của gia đình bệnh nhân, trường học và phòng cách ly của bệnh nhân; rà soát lập danh sách và cách ly các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong những ngày trước đó.

Sau khi tiếp nhận kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xét nghiệm khẳng định mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân G.M.H dương tính với vi khuẩn C.diphtheriae - tác nhân gây bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập đoàn công tác phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời, giao nhiệm vụ cho đoàn công tác của Sở Y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện Bảo Lạc trực tiếp đến giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ ngay Trung tâm y tế huyện trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.

Thông tin sơ bộ, đến thời điểm này, chưa ghi nhận thêm trường hợp nào có các biểu hiện của bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm một số ca bệnh bạch hầu trên địa bàn. Do đó, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa cơ quan y tế, trường học và gia đình các học sinh đã tiếp xúc với bệnh nhân giám sát, theo dõi chặt chẽ những biểu hiện sức khỏe, khi phát hiện dấu hiệu bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh bạch hầu đối với sức khỏe và tính mạng để nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày với các biểu hiện lâm sàng chủ yếu như: Sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.

Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt nhờ triển khai vaccine phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm nhắc vào lúc 18 đến 24 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp: trong đó trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu gồm: Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Bị các rối loạn miễn dịch; Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp…

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó 2 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ ở các huyện ( Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh); Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn; Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

- Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.

- Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

Lịch tiêm chủng vaccine bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi.

Mũi thứ 2: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ nhất 1 tháng.

Mũi thứ 3: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ hai 1 tháng.

Mũi thứ 4: Tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh Bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.

Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vaccine bạch hầu giảm liều - Uốn ván (Td).

Đọc thêm

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Rủi ro tiềm ẩn trong “cơn sốt” làm đẹp đón Tết

Các bác sĩ xử trí một ca biến chứng sau nâng mũi làm đẹp. (Ảnh: BV Trung ương Quân đội 108)
(PLVN) - Trong vòng một tháng qua, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng do làm đẹp. Thậm chí, một số ca rơi vào tình trạng nguy kịch, tưởng chừng không thể vượt qua “cửa tử”.

Câu chuyện bảo hiểm y tế khi đồng bào 'lên vùng'

Chị Rơ Ô H’Hóp trong một buổi truyền thông về bệnh lao.
(PLVN) - Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam…

Ngành Y tế nỗ lực bảo đảm nguồn cung vaccine cho người dân

Chương trình TCMR làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Cục Y tế dự phòng)
(PLVN) - Được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân trên cả nước. Thành quả này có được nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế, đặc biệt trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung vaccine ổn định cho người dân, ngay cả trong bối cảnh khan hiếm vaccine.

Hóa giải 'nỗi oan' vaccine gây bệnh

Tiêm vaccine đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. (Ảnh: Sở Y tế Nghệ An)
(PLVN) - Trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu và ho gà đang gia tăng, tiêm chủng đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về vaccine đã gây ra không ít lo ngại, khiến công tác tiêm chủng, nâng cao sức đề kháng cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Đừng cổ súy lối sống thuận tự nhiên, bài trừ tiêm vaccine

Tiêm vaccine không chỉ là quyền lợi cá nhân, đó còn là nghĩa vụ xã hội. (Ảnh: CP)
(PLVN) - Những năm qua, trào lưu sống thuận tự nhiên lan rộng, thu hút một bộ phận người tin rằng cơ thể con người có khả năng “tự chữa lành”, không cần đến thuốc hay can thiệp y tế. Biến tướng nguy hiểm nhất của xu hướng này chính là việc bài trừ vaccine một cách cực đoan, lan truyền những kiến thức y tế lệch lạc trong cộng đồng.

Chủ động đối phó dịch bệnh mới nổi, tái nổi

Cả nước đối mặt với sự gia tăng liên tục ca mắc sốt xuất huyết tại các thành phố lớn thời gian qua. (Ảnh: VNVC).
(PLVN) - Thế giới đang đối mặt với nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái bùng phát. Những căn bệnh này xuất phát từ mối tương tác giữa con người, động vật và hệ sinh thái, không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với kinh tế, xã hội. Việt Nam, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới và nền kinh tế đang phát triển, cũng không nằm ngoài nguy cơ này.