Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sau nhiều năm, giá gạo XK của Việt Nam đã duy trì ở mức cao, có những thời điểm trong năm 2018 bằng hoặc cao hơn từ 5 - 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan cùng chủng loại. Đáng nói hơn nữa giá gạo XK duy trì ở mức cao, nhưng lượng XK vẫn được duy trì tích cực, gạo Việt Nam có tính cạnh tranh, nhờ vậy đã giúp nâng giá thu mua trong nước, đem lại lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho biết, từ năm 2016 đến nay, thị trường gạo XK của Việt Nam đã tăng từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng thị trường XK vào các nước Mỹ La-tinh, Trung Đông. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc được đánh giá là tiềm năng đã có những thành công nhất định, việc XK gạo sang Trung Quốc của nhiều DN trong nước không chỉ được tạo điều kiện tối đa mà còn giành được nhiều hợp đồng giá trị cao. Mặc dù Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu một số chủng loại gạo từ 5 đến 50%, nhưng Việt Nam không lệ thuộc vào thị trường này nên không ảnh hưởng tới đà XK nói chung.
Về chất lượng, ông Hải đánh giá sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo của Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Việc XK gạo dần được hình thành một cách hệ thống. Chính sách XK gạo đã từng bước tiến những bước dài theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group đồng quan điểm khi cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về XK gạo nhưng không lệ thuộc vào bất kỳ thị trường nào khi có biến động, đó là lợi thế lớn đối với người trồng lúa và cả DN XK gạo.
Ông Hải cho biết: “Gạo Việt Nam được XK đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo XK chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp. Từ nay đến cuối năm, Philippines đang tiếp tục đấu thầu nhập khẩu gạo, một số DN Việt Nam sẽ thắng thầu. Việt Nam đang ở cuối vụ mùa, lượng lúa gạo hàng hóa còn ít. Song năm 2018, Việt Nam có thể XK đạt ngưỡng 6 triệu tấn gạo, với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD”.
Tại “Festival Lúa gạo lần 3” tổ chức tại Long An (từ ngày 18 - 24/12/2018), lần đầu tiên, Bộ NN&PTNT đã công bố Logo thương hiệu gạo Việt. Logo Thương hiệu gạo Việt Nam với trọng tâm logo là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh. Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNN, đây là sự kiện ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không chỉ với tỉnh Long An mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. “Tất cả để hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững, nâng tầm hạt gạo Việt và vị thế của người nông dân Việt Nam”, ông Duy nói.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, mặc dù hiện nay, gạo Việt Nam XK đến 150 nước nhưng chưa có “chỗ đứng” thật sự, chưa có logo riêng để khách hàng, đối tác nhận diện. Một khi gạo Việt Nam có logo, thương hiệu riêng, sẽ giúp đối tác nhận diện, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Qua đó, người sản xuất được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình lao động của mình. Đó cũng là đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, nhận định gạo Việt Nam một khi có logo dùng chung, không chỉ góp phần gia tăng giá trị hạt gạo, mà còn giúp thương hiệu nông sản Việt có “chỗ đứng” vững chắc trên thương trường quốc tế.