Đẩy mạnh khai thác nhiệt điện than cho miền Bắc
Theo cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 16/6 tiếp tục tăng cao với việc công suất đỉnh hệ thống điện quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14h30 ở mức 41.569,1MW. So với các năm trước, con số này chưa cao nhưng trong tình hình nắng nóng hiện nay, lưu lượng nước nhiều hồ thủy điện mới vượt mực nước chết, cộng thêm các tổ máy nhiệt điện than chưa kịp sửa chữa đưa vào sử dụng thì mức tiêu thụ đỉnh này đã ở mức nguy cơ đối với hệ thống điện quốc gia.
Riêng đối với nguồn nhiệt điện than miền Bắc, theo đại diện EVN, nhiên liệu than cho sản xuất điện được bảo đảm. Tuy nhiên, do nguồn thủy điện không thể khai thác được nhiều do thiếu nước nên theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6 - 7/2023 của các NMNĐ than, đặc biệt là các nhà máy điện khu vực miền Bắc sẽ được huy động ở mức công suất và sản lượng tối đa.
Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy điện sử dụng than antracite của EVN trong 2 tháng 6 - 7 là 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than. Do đó, ngoài lượng than đã cung cấp theo hợp đồng đã ký kết, EVN đã đề nghị các đơn vị cung cấp than cung cấp thêm 1 triệu tấn than bảo đảm đủ than cho nhu cầu sản xuất điện trong 2 tháng 6 - 7/2023 và tăng khối lượng than dự trữ trong kho lên mức phù hợp trước mùa mưa.
Đáng chú ý, hiện nay vẫn còn 9 nhà máy, 12 tổ máy điện đang xảy ra sự cố chưa khắc phục. Tổng công suất không huy động được do sự cố dài ngày là 2.100MW, do sự cố ngắn ngày là 325MW (trong đó tổ máy S1 của Nhiệt điện Nghi Sơn dự kiến đưa vào vận hành hôm qua (21/6) và S3 của Nhiệt điện Ninh Bình đưa vào vận hành ngày 18/6). Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đề nghị các chủ đầu tư, chủ sở hữu các NMNĐ than khẩn trương sửa chữa, khắc phục để sớm đưa các tổ máy vào vận hành.
“Đồng thời nghiên cứu, rà soát lại phương án để chuẩn bị các nguồn nhiên liệu sơ cấp, bảo đảm phục vụ hoạt động cho nhà máy trong mọi tình huống” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện lộ trình giảm khí thải carbon trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Báo cáo kế hoạch chuyển đổi trước 15/7
Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, chính sách giảm phát thải hiện nay đã được PVN triển khai từ khá sớm. Năm 2021 PVN đã thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng, trong đó hướng đến nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải CO2. Hiện nay, PVN có 3 NMNĐ than với tổng công suất hơn 3.000MW, PVN đã tiếp xúc với các nhà thầu quốc tế nhằm nghiên cứu những công nghệ mới để giảm phát thải CO2. Đồng thời, Tập đoàn cũng đã tiến hành tìm hiểu về chi phí và chính sách trong việc sử dụng công nghệ đốt kèm hydrogen và amoniac.
Báo cáo của Tổng Công ty Điện lực TKV cũng cho thấy, hiện nay, TKV đang quản lý và vận hành 7 nhà máy bao gồm 1 nhà máy thủy điện và 6 NMNĐ đốt than với tổng công suất 1.735MW. Hiện tại, Tổng Công ty Điện lực TKV đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác quốc tế về nghiên cứu, hợp tác phát triển các dự án sử dụng nhiên liệu sinh khối cũng như công nghệ đốt than - sinh khối tại các nhà máy trong Tổng Công ty. Thời gian tới, sau khi có kết quả khảo sát cụ thể, Tổng Công ty sẽ báo cáo và đề xuất các cấp có thẩm quyền, xem xét.
Theo đại diện BOT Mông Dương 2, NMNĐ Mông Dương 2 đã nghiên cứu phương án đốt than cùng amoniac nhưng vẫn còn ở công nghệ sơ khai. Hiện nay, chủ đầu tư cùng với các đối tác đã và đang nghiên cứu mô hình các nhà máy xanh trên thế giới nhằm áp dụng với nhà máy tại Việt Nam và sẽ báo cáo trong thời gian tới. Dự án BOT Nghi Sơn 2 cũng đã triển khai nghiên cứu về lĩnh vực chuyển đổi nhiên liệu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng như chi phí nhiên liệu và chi phí chuyển đổi còn chưa có hướng giải quyết.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, việc thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các NMNĐ đốt than đang vận hành để giảm phát thải carbon theo lộ trình là cần thiết và không thể đảo ngược, bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các chủ đầu tư, chủ sở hữu của NMNĐ than đang vận hành khẩn trương xây dựng lộ trình theo đúng nội dung chuyển đổi đã được Chính phủ quyết định. Theo đó, định hướng chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac với các NMNĐ than đã vận hành 20 năm khi giá thành phù hợp và dừng hoạt động các nhà máy tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Kế hoạch này báo cáo gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/7/2023.
Cùng với đó, chú trọng tìm hiểu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và trong khu vực; Đồng thời nghiên cứu hợp tác chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế (như sinh khối, amoniac...).