Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
Vườn Quốc gia Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, với diện tích rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam Vườn được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa.
Năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khu Du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng đã có chủ trương xây dựng nhiều hạng mục như: Cải tạo đường giao thông, xây dựng điểm tư vấn hỗ trợ khách du lịch gắn với trưng bày, hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng, biểu tượng cổng chào làng du lịch cộng đồng, xây dựng các điểm nhấn biểu tượng đặc trưng phục vụ khách thăm quan chụp ảnh check-in điểm đến…
Lãnh đạo Sở VHTTDL trao chứng nhận hoàn thành khóa học |
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân kinh doanh xây dựng thêm sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch trải nghiệm và giáo dục môi trường sinh thái với các hoạt động cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia sản xuất nông nghiệp...
Bà Vũ Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm gần đây, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn bước đầu được đầu tư, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trải nghiệm ước khoảng 60 ngàn lượt khách mỗi năm.
Thời gian tới, ngành Du lịch địa phương sẽ tiếp tục phát triển du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn theo hướng bền vững, chú trọng đến các điểm, các làng bản có các yếu tố về cảnh quan môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh, tập trung đầu tư phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.
Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2022, hình thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn được đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật dịch vụ và sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng phục vụ khách chuyên nghiệp, tạo sức hút đối với du khách.
Níu chân du khách bằng sự bình dị
Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách du lịch. Du lịch cộng đồng ở xã Xuân Sơn đang mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, đặc biệt giúp đồng bào Dao, Mường sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia bảo tồn nét văn hóa truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm.
Người dân địa phương được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng |
Chị Ngọc, du khách từ Hà Nội cho biết, chị cùng nhóm bạn của mình lên đây để tận hưởng không khí trong lành, đặc biệt là để tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm những hoạt động sản xuất cùng người dân bản địa, nhưng hoạt động mà chị và các bạn mới chỉ được nhìn qua màn hình nhỏ.
Bên cạnh các dịch vụ ăn, ngủ, du khách còn được tham gia các hoạt động vô cùng bình dị của người dân địa phương như đan lát đồ dùng, dệt thổ cẩm, ủ men nấu rượu, bắt cá suối, hái lá thuốc tắm, chế biến các món ăn miền sơn cước, tham gia sinh hoạt văn hóa như đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp… mang lại những trải nghiệm thú vị nhất cùng sự hài lòng cho du khách và đồng bào.
Từ những điều bình dị nhất như sống trong nhà sàn của dân tộc Mường với các chất liệu như gỗ, tranh, tre, nứa lá; thưởng thức những món ăn dân dã... đã tạo ra sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Với những tiềm năng về thiên nhiên, văn hoá nếu được tiếp tục quan tâm, quản lý đúng mức, Vườn Xuân Sơn sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng quen thuộc của nhiều du khách, qua đó góp phần cải thiện đời sống bà con trong khu vực, đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái độc đáo.