Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024…
Tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho biết, trong năm 2023, dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; QH ra nghị quyết, Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm rất lớn, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu.
Dự báo những tháng còn lại năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, Chủ tịch QH đề nghị cần có các kịch bản phù hợp để có chỉ đạo linh hoạt. “Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới”, Chủ tịch QH nói.
Hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội (QH) đưa ra tại phiên họp QH chiều 23/5, thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đánh giá cao việc Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành. Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo đó, một số cơ quan của QH còn chưa quan tâm, chưa tiếp thu đầy đủ kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động một số dự án Luật; chưa khai thác hiệu quả các ý kiến kiến nghị của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án Luật đôi khi còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Việc theo dõi đôn đốc giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của QH về giám sát đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao.
Từ thực tế trên, Đại biểu kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh. Bảo An
Liên quan đến vấn đề cải cách thể chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Đoàn Yên Bái) khẳng định, trong điều kiện khó khăn, chúng ta tiếp tục ưu tiên, tập trung rất cao, kiên trì, kiên định 3 mục tiêu đột phá, trước hết là ưu tiên rất quyết liệt, đồng bộ cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ, QH đã ban hành 32 luật. Các luật được thông qua đã bám sát quan điểm tập trung cho phân cấp, phân quyền, cải cách một cách triệt để về thủ tục hành chính (TTHC).
Theo Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An), một kết quả quan trọng trong công tác lập pháp thời gian vừa qua là việc xem xét và thông qua đồng thời các dự án luật. “Trong năm 2023, QH đã xem xét, thông qua đồng thời các luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cách làm này đã giúp cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này được xem xét và sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, giải quyết được những “điểm nghẽn”, vướng mắc trên thực tế. Bên cạnh đó, việc xem xét đồng thời các luật có liên quan cũng đã góp phần xác định rõ mối quan hệ giữa phạm vi điều chỉnh của từng luật”, Đại biểu nhận định. Bên cạnh đó, việc tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cũng là một ưu điểm trong kết quả xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian qua.
Cần sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống
Để cải tiến, đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị, cần nghiên cứu để sửa đổi cách thức tiến hành xây dựng pháp luật nhằm phản ứng nhanh hơn nữa đối với các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; chuyển đổi việc xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ thành xem xét, sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống. Đồng thời, cần quan tâm tới việc đơn giản hóa TTHC.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: PV). |
Đại biểu đề nghị Chính phủ xem việc đơn giản hóa TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và các năm tiếp theo; tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để cải cách TTHC, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ để có thể đẩy nhanh được thời gian tiến hành công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chung băn khoăn, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) dẫn một báo cáo cho biết doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về thể chế và kiến nghị QH phải có nghị quyết để tháo gỡ, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật, tránh trường hợp cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cần có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng
Quan tâm đến câu chuyện giá vàng tăng cao thời gian qua, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều lý giải và đề xuất nhằm “hạ nhiệt” tình hình. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhận định, giá vàng tăng cao không ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá nhưng sẽ tác động đến nhiều yếu tố, tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng, không gửi tiền vào ngân hàng nữa mà chuyển sang mua vàng. Khẳng định rất cần thiết phải kịp thời xử lý điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, về dài hạn, phải sửa Nghị định 24 của Chính phủ vì Nghị định này đang sinh ra “tác dụng ngược”. Đồng thời, các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, diễn biến của thị trường vàng vừa qua không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi. Do vậy, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Nêu bật tầm quan trọng của giá vàng, Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) chỉ rõ, giá vàng biến động ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Cảnh báo nguy cơ trở lại tình trạng vàng hóa nền kinh tế, Đại biểu đề nghị cần có đánh giá về nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.
H.D