Hội nghị còn có sự tham dự của 14 đại biểu đại diện cho 5.558 người uy tín của 11 dân tộc thuộc 7 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và các đại biểu đại diện cho Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ban dân tộc của Chính phủ,…
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm gần 15% dân số, là lực lượng rất quan trọng. Dù ở Tây Bắc hay Tây Nguyên, nếu không có đồng bào dân tộc ở miền núi thì chúng ta không thể có điều kiện giữ biên giới. Bà con dân tộc thiểu số đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh ổn định biên giới Việt Nam.
Trong khi đó, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, là “cầu nối” rất năng động giữa dân với Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII vừa công bố tiếp tục khẳng định việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã khá hiệu quả nhưng cần tiếp tục có giải pháp để phát huy tốt hơn.
Góp ý vào dự thảo văn kiện 12 của Đảng, các đại biểu tập trung đánh giá việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phương hướng, nhiệm vụ, nội dung công tác dân tộc. Ông Nông Văn Trân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Bởi hiện nay chúng ta đang đầu tư cho công tác dân tộc không phải ít, nhưng lại phân tán và dàn trải, vì thế không tạo nên sức mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Theo ông Trân, Nhà nước không nên có một chính sách chung cho cả nước, áp dụng vùng nào cũng được (có những chính sách rất giống nhau, khi đưa về áp dụng có vùng thừa nhưng có những vùng rất cần thiết không được đầu tư) mà cần phải có trọng điểm.
Về phần đánh giá tình hình phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đa số các đại biểu thống nhất cho rằng dự thảo đã nêu tương đối đầy đủ và bao quát, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác vận động phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Khẳng định vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần tiếp tục có giải pháp, chính sách để làm tốt hơn công tác vận động bà con dân tộc thiểu số. Đồng thời, mong người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục vận động bà con cùng nhau làm ăn xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường, bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn./.