Nhiều ngân hàng dè dặt
8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp triển khai có tổng mức đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. Với khoảng 15 - 25% vốn tự có của nhà đầu tư cho dự án, các ngân hàng thương mại phải cung cấp khoảng 47.787 - 54.158 tỷ đồng, thì các dự án PPP này mới thành hiện thực.
Trong khi đó, 53.000 tỷ đồng cho vay các dự án BOT trước đây đang có nguy cơ phải cơ cấu nợ và phát sinh nợ xấu, thì việc cho vay thêm một khoản tiền tương đương thế để hoàn thành cao tốc Bắc - Nam thật sự là một rủi ro đối với các ngân hàng thương mại?
Phóng viên đã liên hệ với một số ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Techcombank, SHB nhưng đại diện các tổ chức tín dụng này đều hết sức dè dặt khi đề cập tới câu chuyện này.
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Ngọc Điệp - Văn phòng Hội đồng quản trị Vietinbank cho hay, với tư cách là một đơn vị kinh doanh, các ngân hàng thương mại nói chung và Vietinbank nói riêng đều mong muốn có thêm nhiều khách hàng và cho các doanh nghiệp vay vốn. Nhưng, một hợp đồng tín dụng được xác lập phải cần ít nhất hai điều kiện, thứ nhất doanh nghiệp vay vốn đủ khả năng trả nợ; thứ hai, việc cho vay phù hợp với quy định pháp luật.
Cũng theo Vietinbank, đơn vị này từng cho vay ở các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, hiện nay mức cho vay với các dự án dạng này đã sắp đến ngưỡng cho phép theo quy định. Do đó, muốn cho vay BOT vượt ngưỡng, bản thân các ngân hàng thương mại không thể tự quyết mà thẩm quyền thuộc về Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
“Nếu vẫn giữ nguyên quy định như hiện nay, việc các ngân hàng thương mại cho vay để thực hiện cao tốc Bắc - Nam là rất khó khăn”, ông Điệp nói và nhấn mạnh, tiếp cận vốn với các tổ chức tín dụng quốc tế cũng là một lối mở đối với các nhà đầu tư BOT trong bối cảnh các ngân hàng thương mại trong nước chưa thể đáp ứng.
Doanh nghiệp trông chờ tín dụng thương mại
Trong một diễn biến khác, sau khi hủy đấu thầu quốc tế và bắt đầu nhận hồ sơ dự thầu trong nước từ đầu tháng 11/2019, đến nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhận được khoảng 30 bộ hồ sơ từ các doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ này kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 50 - 60 nhà đầu tư dự thầu. Tuy nhiên, với việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, kỳ vọng của lãnh đạo Bộ GTVT có vẻ khó khả thi?
Ngay cả doanh nghiệp lớn trong đầu tư hạ tầng giao thông như Tập đoàn Đèo Cả mới đây cũng tuyên bố “buông” không tham gia dự thầu dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo ông Trần Văn Thể - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, lý do đơn vị này không mặn mà là vì cơ chế thực hiện các dự án BOT giao thông đang chứa đựng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư; khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và các cam kết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường bị vô hiệu… Ngoài ra, một phần do nhà đầu tư này đang dồn sức để thực hiện các dự án BOT dang dở như Trung Lương – Mỹ Thuận, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hầm đường bộ Hải Vân 2.
Trái với quan điểm của Đèo Cả, một số “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng như Phương Thành, Cienco 4, Vinaconex, Tasco, Tập đoàn Thái Bình Dương…. đã gửi hồ sơ tham gia dự thầu cao tốc Bắc – Nam. Đặc biệt, “sân chơi” này ghi nhận sự xuất hiện của một “tân binh” có tiềm lực đó là Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho hay, bản thân ông và lãnh đạo Bộ này vẫn tin tưởng doanh nghiệp nội địa đủ sức làm tốt các dự án PPP của cao tốc Bắc – Nam. Bởi nếu xét về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, có thể khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thi công xây lắp công trình này.
Tuy nhiên, nếu xét về năng lực tài chính, thì không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được. Vì từ trước đến nay, theo dư luận, một số doanh nghiệp BOT giao thông thường được nói là “tay không bắt giặc” do phần lớn nguồn lực tài chính chủ yếu là vay các ngân hàng. Vì thế, nếu hiện nay, hệ thống ngân hàng “siết” các quy định cho vay, thì không biết các nhà đầu tư lấy đâu nguồn vốn?
Được biết, tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ vốn đáp ứng cho dự án.
Nếu biện pháp trên được thực hiện thì cũng chỉ mang tính khắc phục tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Để lâu dài, ngoài việc nâng cao chất lượng nhà đầu tư, việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho các dự án PPP là rất cần thiết, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước.