Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an vừa có Kết luận 1795 về tài liệu nghi bị viết thêm trong một vụ án dân sự đang được TAND TP Thái Nguyên giải quyết. Việc bên nợ viết thêm số tiền 4 tỉ vào giấy trả nợ được Viện KHHS khẳng định, trong khi giải trình với Tòa trước đó đương sự nại rằng không hề viết thêm.
Trong Quyết định trưng cầu giám định số 08 ngày 27/7/2010 gửi Viện KHHS, TAND TP Thái Nguyên cho biết: Từ ngày 8/3/2010 đến 20/4/2010, vợ chồng ông Trần Văn Thành (trú tại tổ 21 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) cho ông Phạm Thanh Phong (trú tại tổ 19 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) vay tổng cộng tổng cộng 4 tỉ 870 triệu đồng. Đến hạn thanh toán, ông Thành đòi nhiều lần nhưng ông Phong không trả, đến ngày 24/4/2010 ông Phong tuyên bố vỡ nợ.
Tờ giấy nhận tiền được Viện KHHS khẳng định bị viết thêm
Sau nhiều lần giục trả nợ không được, ngày 25/5/2010 ông Thành khởi kiện ông Phong ra TAND tỉnh Thái Nguyên. Tại tòa, phía ông Phong xuất trình hai tờ giấy biên nhận tiền mà vợ ông Thành là bà Trần Bích Phượng ký nhận. Trong tờ giấy biên nhận ngày 22/4/2010, bà Phượng xác nhận ngày 22/4/2010 có nhận của ông Tình, là em ông Phong số tiền 250 triệu đồng. Tuy nhiên, tờ giấy giao nhận tiền này đã bị viết thêm các chữ: “Chiều ngày 22/4/2010, chị Phượng nhận thêm của Tâm Phong bốn tỉ đồng”. Và để cho thích hợp với “sự kiện” nhận tiền vào buổi “chiều” này, thì chữ “sáng” cũng được thêm vào dòng trên cùng.
Theo tài liệu chúng tôi có được, trong bản giải trình gửi TAND Tp Thái Nguyên ngày 26/7/2010, bà Tâm là vợ ông Phong – người trực tiếp “viết thêm” trong giấy nhận nợ đã khẳng định: “Buổi chiều 22/4 chị Phượng đến nhà tôi để nhận tiền, chồng tôi bảo tôi ghi hộ anh 02 mã tiền gồm 01 mã buổi sáng và một mã bây giờ anh Phong trả chị Phượng. Sau đó, anh Phong trả tiền, chị Phượng nhận xong ký nhận…”. Như vậy, theo khẳng định bà Tâm thì 2 mã tiền này tuy được trả một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều 22/4/2010, nhưng khi viết trên giấy biên nhận nợ thì bà Tâm đã viết cùng một lúc, ngay sau đó thì bà Phượng mới ký giấy nhận tiền.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phân tích, Viện KHHS khẳng định: “Có các đặc điểm đủ cơ sở kết luận chữ “Sáng” dòng 1 tính từ trên xuống và các chữ “Chiều 22/4/2010 chị Phượng nhận thêm của Tâm Phong 4.000.000.000 (bốn tỉ đồng)” dòng 4 và dòng 5 tính từ trên xuống trên giấy giao nhận tiền ký hiệu A là các chữ viết thêm”. Kết luận giám định do Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hò, Phó Viện trưởng Viện KHHS ký đã phủ nhận nội dung giải trình của bà Tâm và khẳng định nội dung trả tiền 4 tỉ đồng là do viết thêm, chứ không phải viết cùng lúc.
Trên cơ sở kết luận giám định của Viện KHHS, ngày 6/8/2010, ông Thành đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đề nghị khởi tố vụ án. Trong đó, ông Thành cho rằng sự việc có dấu hiệu lừa đảo khá rõ, vì thực tế không thể có chuyện phía vay nợ trả tiền buổi sáng, nhưng đến buổi chiều mới đưa giấy biên nhận để vợ ông Thành là bà Phượng ký nhận tiền.
Theo phân tích của một số chuyên gia pháp luật và luật sư, nếu có trả tiền hai lần trong ngày thì dù phải viết thêm vào cùng một tờ giấy, phía nhận tiền cũng phải ký theo từng lần nhận tiền chứ không thể có chuyện viết chèn thêm dòng dính sát vào đầu phía trên chữ ký người nhận tiền như vậy, trong khi phần dưới của tờ giấy biên nhận tiền này vẫn còn nhiều khoảng trống. Hơn nữa, theo khổ chủ Thành, thời điểm đó tin tức về việc ông Phong vỡ nợ đã lan rộng, rất đông người đã đến đòi nợ gia đình ông Phong, nên không thể có chuyện ông Phong huy động được số tiền lớn như vậy để trả nợ.
Trên cơ sở kết luận giám định của Viện KHHS và những chứng cứ liên, thiết nghĩ Cơ quan CSĐT Công tỉnh Thái Nguyên cần sớm vào cuộc làm rõ vụ án này.
Trần Đinh