Không phải ngẫu nhiên, chủ đề của Ngày Dân số 11/7 năm nay là “Tiếp cận phổ cập và dịch vụ sức khỏe sinh sản”. Liên tiếp các ca tử vong bà mẹ trong thời gian gần đây được báo chí đưa tin đã làm nóng dư luận về nguyên nhân cũng như dấy lên mối lo lắng của không ít phụ nữ sắp đến kỳ vượt cạn. Tai biến trong sản khoa không những đang được đặt ra bức thiết trong ngành y tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của gia đình.
|
Tai biến sản khoa - nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ |
Tai biến sản khoa - SOS!
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đak Nông, cho biết nhiều dân tộc thiểu số vẫn có phong tục lạc hậu khi sinh đẻ. Ví dụ một nhóm người H’mông di cư từ phía Bắc vào không thích đến cơ sở y tế hay mời cán bộ y tế tới nhà. Khi sinh, họ thích mẹ chồng hoặc chồng đỡ đẻ trong khi những người này không có chuyên môn y tế nên rất nhiều nguy hiểm.
Hoàng Mùi Phấy, 25 tuổi, thôn Đắc Di, Tân Thành, Krông Nô, Đăk Nông, vẫn chưa quên được ca tử vong cả mẹ lẫn con của một người cùng thôn cách đây hai năm. Người dân tộc ít người quê cô vẫn có thói quen sinh đẻ ở nhà mà không đến trạm xá. Hôm ấy thai phụ trở dạ, khi sinh xong dây rốn của trẻ không bong nhưng do không có kiến thức, người nhà không cắt dây rốn mà lại kéo ra nên gây tử vong cả mẹ cả con. Phấy cũng cho biết thêm, ở nơi cô sinh sống, trường hợp tử vong mẹ hoặc con không phải là hiếm.
Cô đã chứng kiến nhiều ca tử vong do thai ngược, chân thai nhi ra trước nhưng người nhà không biết cách đỡ đẻ. Nhưng nhiều nhất vẫn là tình trạng thai chết lưu bởi đồng bào dân tộc ít người không bao giờ đi khám thai. Bên cạnh đó, tình trạng tự ý phá thai bằng lá xảy ra tràn lan. “Vì nhiều người không hiểu biết về bất cứ một biện pháp tránh thai nào nên khi đã lỡ có bầu rồi thì họ sẽ phá thai”, Phấy kể.
Hiện nay, tử vong sơ sinh vẫn còn khá cao, chiếm tới 70% tử vong trẻ em là trẻ dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Người ta thường phân loại tử vong mẹ theo nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Các nguyên nhân trực tiếp là những bệnh tật hoặc biến chứng chỉ xảy ra khi mang thai và sinh nở như chảy máu trước, trong và sau đẻ, nhiễm khuẩn sau đẻ, nhiễm độc thai nghén, nạo phá thai, đẻ khó.
Nguyên nhân gián tiếp bao gồm những bệnh tật mắc phải có thể trước hoặc trong khi mang thai, nhưng trầm trọng hơn bởi thai nghén như các bệnh: tim, lao, sốt rét… Ngoài các nguyên nhân về y học còn có các nguyên nhân khác như thất bại trong chăm sóc sức khỏe, thiếu phương tiện vận chuyển…
3 bác sĩ sản / 1 trăm nghìn dân
Trong những năm tới, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng (đạt xấp xỉ 27 triệu nguời vào năm 2020), nên nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ tiếp tục tăng và luôn giữ ở mức cao. Hầu hết phương tiện tránh thai phải nhập khẩu, trong khi nguồn quốc tế viện trợ phương tiện tránh thai không còn.
Cơ sở, thiết bị y tế còn thiếu thốn. Hiện chỉ có 68% huyện có máy theo dõi sản khoa, mỗi bệnh viện chỉ có 1 máy. Nếu có hơn một sản phụ cùng chuyển dạ một lúc thì những sản phụ khác sẽ không có máy theo dõi. 31,4% bệnh viện huyện không có bộ hồi sức sơ sinh, 59% không có đèn chiếu trị vàng da, 49% không có lồng ấp sơ sinh, 86% không có máy thở áp lực dương liên tục cho trẻ sơ sinh. Chỉ có 68% bệnh viện có mổ dẻ, 55% bệnh viện huyện có khả năng cung cấp được cả hai dịch vụ mổ đẻ và truyền máu.
15% phụ nữ có thai từng trải qua một lần biến chứng Theo thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới có 358.000 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến thai nghén; 10-15 triệu phụ nữ phải gánh chịu các căn bệnh hoặc tàn tật nặng do biến chứng trong quá trình thai nghén và sinh nở gây ra; 15% phụ nữ có thai trải qua một lần biến chứng có nguy cơ gây tử vong trong khi sinh nở. 19 triệu ca nạo phá thai không an toàn diễn ra hàng năm và khoảng 47.000 phụ nữ tử vong do nạo phá thai không an toàn và hàng triệu người khác phải gánh chịu các biến chứng. |
Có khoảng trên 12.000 thôn bản vùng khó khăn cần có cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo, tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1.140 cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo từ 6-18 tháng trong khuôn khổ một số chương trình, dự án. Cho đến nay, cô đỡ thôn bản vẫn chưa được công nhận là một loại hình cán bộ y tế và vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về tài chính cho đội ngũ này. Hiện nay, đội ngũ cô đỡ thôn bản mới chỉ nhận phụ cấp từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia với mức chi ít ỏi là 50.000/ tháng.
Việt Nam hiện mới có 3 bác sỹ sản (từ chuyên khoa định hướng trở lên) trên 100.000 dân, trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020 cần phải có 12 bác sỹ chuyên khoa sản trên 100.000 dân... “Điều này cho thấy, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết những thách thức” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay.
Bà Mandeep K.O’Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có thể phòng chống được hầu hết các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Do đó, cần phải tăng cường hệ thống y tế để cải thiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đầu tư vào đội ngũ cán bộ y tế với các kỹ năng hộ sinh và đảm bảo tiếp cận chăm sóc cấp cứu sản khoa khi có tai biến xảy ra”.
Theo bà Mandeep K.O’Brien, những biện pháp này nếu được thực hiện toàn diện ở Việt Nam, sẽ không chỉ cứu sống được rất nhiều người, mà còn cải thiện được hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước. “Đây thực sự là một chiến lược y tế công cộng có hiệu quả cao về mặt chi phí”- bà Mandeep K.O’Brien nêu rõ. Chi 4 đô la mỗi năm cho việc cung cấp các biện pháp tránh thai như hiện nay ở các nước đang phát triển sẽ tiết kiệm được 5,6 tỷ đô la chi phí cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nếu chi 8,1 tỷ đô la hàng năm để đáp ứng hết tất cả nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại thì sẽ tiết kiệm được 11,3 tỷ đô la.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 2012, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo tiếp cận phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản vào năm 2012. Mục tiêu cao cả là: Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ, duy trì mức sinh thấp hợp lý, cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người….
Thùy Dương