Kênh quảng bá du lịch hiệu quả
Tại Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 vừa diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường; lợi thế về nhân công… Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách.
“A tourist’s guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) - bộ phim đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép sau đại dịch COVID-19 chiếu trên nền tảng Netflix vào tháng 5/2023 - đã gây sốt tại Việt Nam và nhiều quốc gia, tạo ra một làn sóng mới cho hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch.
Cùng với những thước phim sống động, bộ phim còn tái hiện vẻ đẹp của hàng loạt danh thắng tại Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đà Nẵng và Hà Giang. Bộ phim đã lọt vào top 10 ở 78 thị trường tại châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều du khách bày tỏ, sau khi xem bộ phim này, họ muốn được đến Việt Nam.
Thực tế sự phát triển du lịch của nhiều Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật Bản… đã chứng minh một điều: Nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Mô hình du lịch theo phim ảnh tác động vào trí tò mò của công chúng bởi hình ảnh các điểm đến (phim trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích...) và nhân vật trên màn ảnh.
Việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả nhất định. Từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới bởi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp trên phim.
Các địa điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Việc phát triển du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh có hiệu quả tốt, minh chứng cho sự đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thừa nhận hiệu ứng từ một số bộ phim tạo nên những điểm đến có sức hút khó cưỡng là một thực tế. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy phim ảnh và âm nhạc là con đường để quảng bá hình ảnh đất nước, con người nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên, những cái “bắt tay” thật chặt và hiệu quả đến nay vẫn chưa có, cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế.
Ninh Bình tuyệt đẹp trong các tác phẩm điện ảnh
Hình ảnh Ninh Bình được lan tỏa trên toàn thế giới khi xuất hiện trong bộ phim “Skull Island”. Đây là một dự án phim bom tấn của Hollywood, được tiến hành quay ở nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Úc và Việt Nam. Tại Việt Nam thì Kong: Skull Island đã chọn 4 địa điểm Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng để “bấm máy”, trong đó, thời lượng lên hình của Ninh Bình là nhiều nhất, cũng như là những phân đoạn hấp dẫn nhất của bộ phim.
Ninh Bình tuyệt đẹp trong tác phẩm điện ảnh Kong. (Nguồn: Internet) |
Ninh Bình xuất hiện trên Kong thông qua 3 địa điểm du lịch chính đó là khu bảo tồn thiên nhiên đầm Vân Long, Tam Cốc - Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An. Cả ba đều nổi tiếng với địa hình núi non hùng vĩ với dòng sông uốn lượn, êm đềm và trong xanh. Mặt hồ của đầm Vân Long thì phẳng lặng, thích hợp để đặc tả những cảnh hồi hộp, cần chiều sâu. Còn Quần thể Danh thắng Tràng An thì có hệ thống dãy núi đá vôi, 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động vô cùng hùng vĩ và tráng lệ.
Bộ phim công chiếu vào năm 2017, là dự án phim Hollywood lớn nhất được thực hiện ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh của Ninh Bình ra toàn thế giới. Nhiều nhà phê bình dự đoán rằng, du lịch Việt Nam sẽ rất phát triển nhờ vào hiệu ứng của bộ phim. Chính ông Jordan Vogt Roberts - đạo diễn của bộ phim chia sẻ rằng mình “chẳng bao giờ thấy chán khi đăng những tấm ảnh ở Việt Nam” hay “rất nhớ Ninh Bình khi trở về nước”.
Tạp chí Travel+Leisure phiên bản Đông Nam Á mới đây đã công bố danh sách 12 điểm du lịch ấn tượng ở châu Á từng xuất hiện trong một số tác phẩm kinh điển, phim bom tấn và các bộ phim được yêu thích trong khu vực. Ninh Bình (Việt Nam) nằm trong danh sách này với sự góp mặt trong bộ phim Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island).
Thực tế, từ sau khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sang Việt Nam, hiệu ứng về những cảnh quay ở Ninh Bình đã làm nhiều nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam để khảo sát cho những dự án tương lai. Đồng thời, lượng khách quốc tế tìm đến những bối cảnh quay phim này cũng tăng vọt một cách đột biến. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc quảng bá du lịch thông qua phim ảnh.
Hình ảnh: Đạo diễn Jordan Vogt Roberts thích thú khi quay trở lại làng thổ dân tại Ninh Bình. (Nguồn: Internet) |
Từng tham gia bộ phim “Hương vị tình thân” được phát trên sóng “giờ vàng” của Đài Truyền hình Việt Nam, với nhiều cảnh quay tại Ninh Bình, diễn viên Thu Quỳnh cho biết: “Khi về đến Ninh Bình, Thu Quỳnh như được trở về nhà. Những con người nơi đây rất là nồng ấm, phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Quỳnh không còn cảm giác là đang đi làm việc nữa mà như là được đi ngắm cảnh, đi nghỉ dưỡng”.
Còn NSƯT Trịnh Mai Nguyên, bối cảnh quay tại Ninh Bình để lại cho anh rất nhiều lưu luyến. Hơn thế nữa, nam diễn viên cho biết anh cảm nhận được tình cảm của người dân Ninh Bình rất gần gũi như tên phim “Tình thân”, mang đến những cảm xúc khó tả thành lời.
Diễn viên Nguyễn Tùng Anh cũng từng tham gia nhiều dự án phim lấy bối cảnh quay tại Ninh Bình, anh chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia rất nhiều dự án quay tại Ninh Bình. Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Bối cảnh ở nơi đây thường được ekip chọn làm địa điểm quay phim vì phong cảnh đa dạng và tuyệt đẹp của Ninh Bình tạo ra một không gian hấp dẫn cho việc thực hiện các dự án điện ảnh. Ninh Bình còn được biết đến là một điểm đến hút khách du lịch bởi không chỉ vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi sự hòa quyện giữa cảnh quan và kiến trúc văn hóa truyền thống. Con người Ninh Bình tử tế, thân thiện và chào đón du khách”.
Hình ảnh: Một cảnh trong phim “Hương vị tình thân” được quay tại Ninh Bình. (Nguồn: Internet) |
Có thể thấy, phim ảnh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch ở Ninh Bình. Khi một bộ phim nổi tiếng được quay tại một địa điểm cụ thể, nó có thể tạo ra sự quan tâm và tò mò từ khán giả, họ có thể muốn tới tham quan những địa điểm đã xuất hiện trong phim. Điều này có thể tạo ra một cú hích cho lĩnh vực du lịch, thu hút khách du lịch mới và tăng doanh thu du lịch cho địa phương. Ngoài ra, việc quay phim cũng có thể tạo cơ hội công việc và thu hút các nhà làm phim, diễn viên, và những người liên quan trong ngành công nghiệp điện ảnh đến Ninh Bình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Với mục tiêu duy trì hình ảnh du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong mắt khách du lịch, Ninh Bình luôn tạo điều kiện tối đa cho các đoàn làm phim về ghi hình. Đồng thời cung cấp thông tin về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh và phối hợp lựa chọn các bối cảnh quay phù hợp với nội dung các tác phẩm. Bên cạnh đó đảm bảo điều kiện tốt về cơ sở vật chất và an ninh trật tự trong suốt quá trình làm phim.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: “Ninh Bình xác định quảng bá di sản, văn hóa, danh thắng của địa phương qua điện ảnh là con đường hiệu quả nhất. Bởi vậy, mong muốn với tiềm năng, thế mạnh, Ninh Bình sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm của các hãng phim trong nước và quốc tế và cam kết tạo điều kiện tối đa cho các đoàn làm phim về với Ninh Bình”.
Để phát triển du lịch hơn nữa thông qua phim ảnh, bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho các nhà làm phim, Ninh Bình cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ quốc tế để thúc đẩy kết nối điện ảnh - du lịch. Đồng thời đưa ra nhiều chính sách nhằm kích cầu, thu hút các đoàn làm phim, góp phần đưa Việt Nam trở thành một “phim trường quốc tế”.