Lào có khoảng 15 khu bảo tồn voi. Trong khi các khu bảo tồn này thường nói về việc chăm sóc voi, du khách lại hay thấy chúng bị xích giữ, bị mang ra cưỡi hoặc biểu diễn xiếc và bị kiểm soát bằng những chiếc móc.
"Trong chuyến đi Lào đầu tiên (năm 2011), tôi đến một khu bảo tồn voi ở Luang Prabang. Mọi thứ đều không như mong đợi. Khi không phải phục vụ du khách, voi bị giữ cả ngày giữa trời nắng nóng bằng những đoạn xích siêu ngắn, chỉ khoảng 1m", Vogler kể. "Chúng trông thực sự không hề vui". Và Vogler quyết định phải tạo ra thay đổi.
Nằm bên bờ sông Nam Khan, phía bắc nước Lào, trại MandaLao rộng 80 ha, với những không gian râm mát, rừng, lạch nước và cơ sở thú y.
"Người ta tập trung vào huấn luyện voi để giải trí cho con người. Chúng tôi thì không", Vogler nói.
Khách tham quan MandaLao có thể dạo quanh rừng cùng voi - chứ không phải trên lưng voi - và mang thức ăn để khuyến khích chúng đi tiếp suốt quãng đường.
MandaLao hiện là nhà của 6 voi cái trưởng thành và 1 voi con 18 tháng tuổi. Chúng đều được giải cứu khỏi ngành khai thác gỗ."Chúng có cá tính và đặc điểm riêng biệt. Như với voi con Kit, thỉnh thoảng chúng tôi phải thử 2-3 thứ khác nhau để xem nó muốn ăn gì", Vogler nói. "Nó sẽ không ăn mía trừ khi đã được bóc sẵn vỏ. Nó được chiều quá sinh hư".
Vogler cho biết, nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, voi Kit sẽ không sống cả đời tại MandaLao. Ban quản lý trại đang làm việc với một vườn quốc gia để đem trả lại loài vật về thiên nhiên hoang dã.
Số lượng voi châu Á giảm 50% trong thế kỷ qua |
MandaLao không phải khu bảo tồn voi duy nhất đang cố gắng thay đổi tình hình. Năm 2011, Trung tâm Bảo tồn Voi (ECC) rộng 106 ha được thành lập ở miền Tây nước Lào. Đây được coi là cơ sở thú y dành cho voi đầu tiên trên cả nước.
"Khai thác voi quá mức dẫn đến những tai nạn, đôi khi cả cái chết cho loài voi và làm giảm tuổi thọ của chúng", Sébastien Duffillot, người thành lập ECC, giải thích. "Chúng phải làm việc quá sức, và bởi khai thác gỗ là cách duy nhất mang về thu nhập cho chủ voi, chúng không còn cơ hội sinh đẻ nữa".
Một chương trình đã trả cho các chủ voi khoản tiền tương đương 4 năm thu nhập, đổi lấy việc cho voi cái sinh đẻ tại ECC. Ở đó chúng được hưởng chăm sóc trước và sau sinh.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) cho hay số lượng voi châu Á giảm 50% trong thế kỷ qua, từ 100.000 vào đầu những năm 1900 xuống còn 50.000 con hiện tại. Tình hình đáng báo động nhất là ở Bangladesh, nước chỉ còn khoảng 200 con voi.
"Chúng ta cần thời gian, nhưng loài voi lại đang nhanh chóng biến mất", Duffillot nói. "Tôi tin vào nỗ lực của những người ở các địa phương, từ làng, rồi huyện, đến tỉnh... thành công của họ sẽ giúp khiến cấp trung ương quan tâm và xây dựng những chương trình có ý nghĩa với quy mô quốc gia, và hi vọng là cả khu vực".