" Siết” lại đào tạo tiến sĩ
Thời gian gần đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi hoài nghi xung quanh chất lượng đào tạo tiến sĩ. Điều này buộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT phải thẳng thắn nhìn nhận, rà soát lại các quy định về đào tạo tiến sĩ hiện hành. Rõ ràng với sự đòi hỏi cao hơn từ thực tiễn thì bắt buộc các quy định cũng phải được đặt ra cao hơn, chặt chẽ hơn. Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến dư luận.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã bắt tay vào điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Cấu trúc của quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.
Ngoài ra, quy chế cũng sẽ bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
Theo bà Phụng, khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu, vì vậy trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.
Mặt khác, quy chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Và để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.
Người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn). Đặc biệt, theo bà Phụng, lâu nay ta vẫn có quan niệm điều kiện của Việt Nam là đặc thù, vậy cần phải có đặc thù. Nhưng trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động.
Không còn tiến sĩ “đặc thù”
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, một trí thức Việt kiều nổi tiếng, hiện giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Waseda, Tokyo, về mặt quản lý không nên đào tạo tiến sĩ theo chạy theo mục tiêu số lượng với suy nghĩ cứ có bằng tiến sĩ là có đủ nhân tài gánh vác công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoặc coi tấm bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để được đề bạt lên các chức vụ cao hơn.
Ông cho rằng, điều căn bản nhất là “cần thống nhất là văn bằng tiến sĩ đào tạo ở Việt Nam phải tương đương chất lượng với văn bằng nước khác. Không thể cho rằng trình độ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam còn thấp thì phải chấp nhận văn bằng có giá trị thấp”.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam hiện nay, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, nghiên cứu sinh phải được tiếp xúc giao lưu trong môi trường học thuật quốc tế; phải công bố tối thiểu 2 bài báo, trong đó có 1 bài viết bằng tiếng nước ngoài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện…
PGS.TS Lê Hữu Lập cho biết, hiện nay có một số ít cơ sở đào tạo tiến sĩ đang chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng các công trình khoa học của nghiên cứu sinh và đương nhiên là số này ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của xã hội đối với tình tình đào đào tạo tiến sĩ chung của cả nước.
Trước việc Việt Nam có tới trên dưới 24 nghìn tiến sĩ, trong đó có rất nhiều những tiến sĩ lạ với những đề tài bảo vệ luận án rất lạ, đại loại như đề tài nghiên cứu phong cách, đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch huyện, xã... Tiến sĩ văn học Đoàn Hương cho rằng: “Nhìn ở góc độ số lượng thì tôi nghĩ với một dân tộc có trên dưới 90 triệu dân thì 24 nghìn tiến sĩ cũng không phải nhiều, nếu không muốn nói là còn ít.
Tôi cũng nghĩ, một tiến sĩ tồi vẫn còn hơn một cử nhân tốt, vì để thành tiến sĩ, người ta phải học hành rất nặng, và quan trọng là phải luôn có một phương pháp luận khoa học. “Vấn đề đáng nói là nhìn vào mặt chất lượng thì các đề tài nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ có thực sự mở ra một hướng nghiên cứu mới hay không.
Ở nước ngoài, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố này, vì chỉ có mở ra một hướng nghiên cứu mới thì đề tài ấy mới thực sự có giá trị. Thời tôi, có 100 người đi làm tiến sĩ khoa học ở Nga, Bộ Đại học nói chỉ cần có 5 người được công nhận đã là thắng lợi rồi. Còn ở Việt Nam, chuyện bị đánh trượt, không thông qua là chuyện rất ít”, Tiến sĩ Đoàn Hương chia sẻ.
Một cựu quan chức ngành Giáo dục từng nói rằng ở ta hiện nay đang có tình trạng phổ cập tiến sĩ, nghĩa là đâu đâu cũng thấy tiến sĩ, đâu đâu cũng đòi hỏi phải là tiến sĩ. Và theo nhận định của không ít nhà chuyên môn, chỉ chừng 1/10 trong số 24 ngàn tiến sĩ chất lượng đã là tốt rồi. Bởi thế, tới đây, khi dự thảo quy chế được thông qua, hẳn rằng tiến sĩ sẽ không còn “ào ạt ra lò”, và không còn câu chuyện “đặc thù” đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam nữa. Tiến sĩ nhất thiết phải là người có công trình mới cho khoa học, chứ không phải là câu chuyện bằng cấp...