Đăng ký hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày 1/7
Luật ĐGTS quy định tổ chức ĐGTS gồm Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS, doanh nghiệp ĐGTS. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của doanh nghiệp ĐGTS, nâng cao chất lượng dịch vụ ĐGTS trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luật ĐGTS quy định doanh nghiệp ĐGTS được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng. Luật ĐGTS cũng quy định, các doanh nghiệp ĐGTS có thời hạn là 2 năm để đáp ứng điều kiện và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật ĐGTS, quá thời hạn nêu trên thì doanh nghiệp đó phải chấm dứt hoạt động ĐGTS (khoản 2 Điều 80).
Hướng dẫn quy định trên, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã nêu rõ việc đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành bao gồm 2 trường hợp. Cụ thể là đối với trường hợp doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành muốn chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành doanh nghiệp ĐGTS theo quy định tại Điều 23 của Luật ĐGTS thì doanh nghiệp tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp có trụ sở. Sau khi được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động thì doanh nghiệp kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động ĐGTS của doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành.
Đối với trường hợp doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành muốn tiếp tục hoạt động ĐGTS và kinh doanh các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì phải thành lập doanh nghiệp ĐGTS mới theo quy định tại Điều 25 của Luật ĐGTS. Sau khi doanh nghiệp ĐGTS mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành phải chấm dứt hoạt động ĐGTS và không được sử dụng cụm từ “ĐGTS” trong tên gọi của mình. Doanh nghiệp ĐGTS mới được thành lập theo quy định của Luật ĐGTS kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động ĐGTS của doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành.
Chỉ hoạt động trong lĩnh vực đấu giá
Tuy nhiên, tại Hội nghị quán triệt Luật ĐGTS do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn đối với quy định đăng ký hoạt động này. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tại tỉnh Lào Cai phản ánh, Luật chỉ quy định hai hình thức là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Nhưng như doanh nghiệp của ông thì đang là Công ty TNHH, vậy khi chuyển thì mã số thuế như thế nào, dấu khắc như thế nào, với tài sản chưa thanh lý hết sẽ giải quyết ra sao?
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Quế Anh nhận thấy, khoản 2 Điều 80 Luật quy định trong vòng 2 năm phải thực hiện chuyển đổi với những doanh nghiệp đăng ký hoạt động trước đây theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Song khoản 1 Điều 6 Nghị định 62 lại không nêu rõ thời hạn nên bà Quế Anh chưa rõ sẽ triển khai như thế nào. Ở Nghệ An, hiện có tới 19 tổ chức đấu giá, trong đó 1 trung tâm, còn lại 17 đơn vị có mô hình đa dạng (cổ phần, tư nhân, doanh nghiệp đa chức năng ngành nghề bao gồm đấu giá) thì nếu trong Luật nói là 2 năm thực hiện chuyển đổi, Nghị định 62 lại không hướng dẫn rõ thời hạn khiến Nghệ An đang lúng túng. Từ đó, bà Quế Anh đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn lộ trình phải cụ thể, rõ ràng.
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến chia sẻ, theo Nghị định 17, doanh nghiệp bán ĐGTS được thành lập dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật thấy đây là nghề bổ trợ đặc biệt có gắn với trách nhiệm vô hạn. Vì vậy, các tổ chức bán ĐGTS được thành lập dưới mô hình doanh nghiệp sẽ thành lập dưới mô hình đối nhân nhằm chuyên nghiệp hóa các tổ chức bán ĐGTS. “Mặc dù hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc biệt, đặc thù là nghề tư pháp, kinh doanh có điều kiện. Việc chuyển đổi Luật đã quy định phải chuyển đổi. Từ ngày 1/7 nếu thành lập chỉ thành lập dưới dạng doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh và chỉ hoạt động trong lĩnh vực đấu giá” — bà Yến nhấn mạnh.
Về thời gian 2 năm, bà Yến lý giải là để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu xếp công việc. Việc chuyển đổi sẽ thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp. Các vấn đề liên quan tới mã số thuế, con dấu sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của các nghề bổ trợ tư pháp khác như công chứng, luật sư. Để đảm bảo quy định này đi vào cuộc sống, bà Yến mong các địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện càng sớm càng tốt, thiết thực chuyên nghiệp hóa hoạt động ĐGTS.