“Dân có giàu, biên giới mới vững” là phương châm luôn được cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu ghi nhớ và có những hành động cụ thể.
Giúp dân giàu có
BĐBP Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư xây dựng mô hình điểm về trồng rừng, phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng và dự án bố trí, điều chỉnh dân cư biên giới. Việc quy hoạch, điều chỉnh dân cư được BĐBP tiến hành chặt chẽ, bảo đảm để nhân dân sinh sống, làm giàu ở khu vực biên giới.
Mỗi đồn biên phòng cũng xây dựng một mô hình kinh tế để nhân dân làm theo như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, trồng cây thảo quả, khai hoang trồng lúa nước, bảo vệ rừng... Đến nay, thu nhập bình quân của người dân khu vực biên giới đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,85 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ gần 61% năm 2003 xuống còn 20,48%, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
BĐBP Lai Châu còn triển khai nhiều hoạt động phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn như bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ; triển khai cai nghiện ma túy cộng đồng; xây dựng nếp sống mới khu dân cư; tham gia phát triển giáo dục, đỡ đầu 30 em học sinh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”... Các dự án phát triển kinh tế, xã hội ấy không chỉ nâng cao đời sống cho nhân dân, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân cùng với BĐBP hăng hái tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.
Vững chắc biên cương
Chúng tôi đến xã Pa Ủ, huyện Mường Tè và chứng kiến sự thay đổi từng ngày của người dân, càng thấu hiểu hơn câu nói “Dân có giàu, biên giới mới vững”.
“Trước đây, đồng bào La Hủ thường du canh du cư nay đây, mai đó, luẩn quẩn trong rừng sâu nên rất khổ cực, thiếu ăn, thiếu mặc. Từ năm 2008, BĐBP bắt đầu vận động đồng bào tái định cư để ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, người dân mới có cuộc sống mới như ngày hôm nay: Nhà cửa kiên cố, nước sạch về tận các gia đình, đường ô tô về tận bản. Nhờ cuộc sống đổi thay nên bà con chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa và cùng với BĐBP chung tay bảo vệ biên giới” - ông Phàn Xạ Chô, Trưởng bản Tân Biên, xã Pa Ủ bộc bạch.
Xuôi về huyện Phong Thổ, đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Páo ở bản Màu, xã Nậm Xe, ông Páo bộc bạch: “Muốn làm được việc lớn, bảo vệ biên cương vững chắc, thôn bản bình yên thì phải phát huy sức mạnh tập thể. Toàn thể bà con phải chung tay mới đuổi được hết những kẻ xấu, xóa bỏ trộm cắp, phá hoại rừng, xâm phạm đường biên, cột mốc”.
Còn ở bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông, anh Tẩn Chỉn Hoảng vừa dẫn đi thăm cột mốc 65 vừa tâm sự: “Tôi tự hào với công việc đang làm, bảo vệ cột mốc và đoạn biên giới dài 2,5km. Hơn 6 năm qua, tôi đã phát hiện kịp thời và thông báo cho BĐBP hàng chục vụ vi phạm hiện trạng đường biên, cột mốc. Nhân dân cung cấp cho chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông nhiều nguồn tin có giá trị, giúp đơn vị giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trên biên giới”.
“Chúng tôi kiên trì thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, gắn với nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Cuộc sống nhân dân yên ổn, giàu mạnh thì biên giới chủ quyền quốc gia mới ngày càng vững chắc” - Đại tá Đào Quang Mạnh, Chính ủy BĐBP Lai Châu chia sẻ...