Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Kim Sơn (Dự án Kim Sơn) gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) do nhiều hộ dân không đồng ý phương án và mức giá đền bù thu hồi đất; đặc biệt là cách thức “vận động, tuyên truyền” của địa phương...
Không thỏa thuận
Dự án Kim Sơn của Cty Cổ phẩn An Sinh - Quảng Ninh (Cty An Sinh) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt vào cuối năm 2004 với tổng diện tích 39,75 hecta, dọc theo Quốc lộ 18 nối giữa Thị trấn Mạo Khê và Thị trấn Đông. Mục đích của dự án là chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu đô thị mới, đáp ứng một phần nhu cầu đất ở và kinh doanh thương mại tại khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai do Cty An Sinh gặp nhiều khó khăn nên đến năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép chuyển chủ đầu tư sang Cty TNHH Thành Tâm 668 (Cty Thành Tâm).
Khu vực bị thu hồi nằm sát Quốc lộ 18, mức giá đền bù là 38.000 đồng/m2 |
Công tác đền bù GPMB đến nay đã hoàn thành được một phần, nhưng vẫn còn 98 hộ dân bị thu hồi đất không đồng ý với phương án và mức giá bồi thường do chính quyền đưa ra là 38.000 đồng/m2, quá thấp so với thực tế. Bởi đất của họ đa phần nằm sát Quốc lộ 18; Theo bảng giá đất do UBND tỉnh Quảng Ninh mới ban hành, mức giá đất tại khu vực xã Kim Sơn thấp nhất là 200.000 đồng/m2, nơi cao nhất (bám dọc theo Quốc lộ 18) có mức giá là 3,5 triệu đồng/m2.
Ông Phùng Tăng Hoành (người dân bị thu hồi đất) phản ánh, đối chiếu quy định của Luật Đất đai, Dự án này không thuộc nhóm các dự án loại A gồm có thu hồi đất cho an ninh, quốc phòng, công cộng...nên chủ đầu tư phải thỏa thuận giá đền bù với người dân. Cty Thành Tâm muốn lấy đất đất trồng lúa của dân để thực hiện mục đích kinh doanh thì phải thoả thuận với nông dân. Đây cũng không phải dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội mà là dự án đầu tư - kinh doanh hạ nên việc chủ đầu tư và chính quyền huyện Đông Triều không thỏa thuận và đưa ra hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền, lợi ích của người bị thu hồi đất mà lại áp đặt mức giá đền bù là không thỏa đáng.
Ông Hoành cho biết thêm, nhiều hộ dân ở đây có đủ điều kiện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được cấp GCNQSDĐ. Khi xuất hiện Dự án Kim Sơn, do không có GCN nên nhiều hộ dân gặp khó khăn trong đền bù. Khi người dân phản ánh, thì ngày 30/12/2011, UBND huyện Đồng Triều có Công văn số 2067 trả lời đó là lỗi của UBND xã Kim Sơn và đã chỉ đạo xãnày kiểm điểm trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Trao đổi với PLVN, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Đặng Cương Quyết cho biết, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều trong dự án này là không thỏa thuận về mức giá đền bù vì đây là dự án phát triển hạ tầng “văn hóa - xã hội”(?). Còn việc kiểm điểm do chậm trễ trong cấp GCN cho người dân theo chỉ đạo của UBND huyện Đông Triều như thế nào thì... vẫn chưa nắm được do mới nhậm chức.
Mà ép dân quá đáng
Theo phản ánh của người dân, không chỉ đền bù không thỏa, người dân còn bị gây sức ép một cách vô lý. Như trường hợp của ông Nguyễn Viết Xô (thôn Kim Sen, xã Kim Sơn): Nếu không chấp thuận và nhận tiền đền bù thì hai con của ông Xô sẽ không được địa phương xác nhận lý lịch xin kết nạp Đảng.
Không những thế, ngày 21/3/2011, UBND huyện Đông Triều còn gửi Thông báo số 32 tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị các cơ quan cho con em, người nhà của các hộ gia đình có đất nông nghiệp trong khuôn viên thực hiện GPMB nhưng chưa nhận tiền bồi thường tạm thời... nghỉ việc để “vận động gia đình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bồi thương, GPMB. Khi nào gia đình nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho dự án (có xác nhận của địa phương) thì cơ quan tiếp tục bố trí công tác”.
Đến ngày 26/3/2011, Cty Thành Tâm cho máy xúc vào thi công tại khu vực doanh nghiệp chưa được bàn giao mặt bằng. Quá bức xúc, người dân đã kéo đến không cho máy xúc thi công và báo cho chính quyền. Ngày 27/3, người điều khiển máy xúc bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng đến ngày 31/3 chiếc máy xúc trên mới rời khỏi được hiện trường. Chưa hết, ngày 18/7/2011, người dân phát hiện 3 người được thuê trông coi Dự án Kim Sơn rắc mảnh kính vỡ xuống ruộng mà người dân đang cấy lúa. Sự việc được báo cho công an xã và tiến hành lập biên bản.
Về sự việc này, trao đổi với PLVN, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, UBND tỉnh không bàng quan với vấn đề này. Điều đó được thể hiện qua các công văn chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh đối với UBND huyện Đông Triều.
Tại Công văn số 1285 và Thông báo số 46, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huyện Đông Triều phải rà soát lại trình tự thủ tục thu hồi đất; hủy bỏ Quyết định phê duyệt phương án đổi đất và trích lục chính sách bồi thường GPMB của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Triều; Vận dụng đúng, linh hoạt chế độ, chính sách trong việc đền bù GPMB đối với các hộ dân có đất bị thu hồi... đảm bảo sự ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội.
Thiết nghĩ, với những chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Quảng Ninh sự việc sẽ sớm được giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả người dân và doanh nghiệp, ổn định tình hình địa phương.
Giang Nam