Trong bối cảnh thu ngân sách đang hết sức căng thẳng thì hàng loạt doanh nghiệp lớn - những “đại gia” được kỳ vọng như túi tiền của nền kinh tế - lại lũ lượt theo nhau xin miễn, giảm, gia hạn nghĩa vụ với Nhà nước.
Sau khi được gia hạn thuế nhập khẩu 1.200 tỷ đồng, đại gia Ô tô Trường Hải quyết định chi 325 tỷ đồng trả cổ tức. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Trường Hải |
“Vàng đen” xin, “vàng trắng” cũng xin
Mới nhất có thể kể đến việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 124/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng than.
Theo đó, các mặt hàng than đá, than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá tại biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Thông tư số 71/2013/TT-BTC ngày 23/5/2013 của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế xuất khẩu từ 13% xuống còn 10%, áp dụng từ 1/9.
Như vậy, chỉ đúng 2 tháng sau khi quyết định tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 10% lên 13% có hiệu lực, Nhà nước đã phải “xuống nước” với các đại gia “vàng đen”.
Bộ Tài chính lý giải rằng, việc giảm thuế xuất khẩu mặt hàng than đá nhằm chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp sản xuất than trong nước giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhưng trước đó, như PLVN đã đưa tin, lấy lý do sản lượng than tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 23,7 triệu tấn, bằng 55% kế hoạch năm, tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm dự báo khá ảm đạm…
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã liên tục “đòi” Chính phủ giảm thuế xuất khẩu, đồng thời “lưu ý” nộp ngân sách năm nay dự kiến chỉ đạt 10.780 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kế hoạch đầu năm, tương đương giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Vừa ký giảm thuế xuất khẩu cho than chưa “ráo mực”, Bộ Tài chính đã nhận được đơn xin miễn thuế xuất khẩu đối với cao su. “Tế nhị” hơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không đứng ra làm việc này mà để cho hiệp hội. Theo văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Cao su Trần Ngọc Thuận ký thì tình hình sản xuất kinh doanh của các đại gia “vàng trắng” đang rất tệ.
Theo đó, với mức lợi nhuận được cho là đang thấp hơn so với lãi suất ngân hàng và thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền vay, một số doanh nghiệp cao su đang Thu hẹp hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, lượng cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, làm kim ngạch xuất khẩu cao su giảm 19,5%, “một số lao động bị giảm và lương công nhân cũng giảm”.
Nguyên nhân là vì từ tháng 3/2011 đến nay, giá cao su liên tục giảm, đến tháng 7/2013 giá cao su Việt Nam xuất khẩu chỉ còn 2.198 USD/tấn, được nói là “gần sát với giá thành”, lợi nhuận chỉ còn 5% bình quân và 2% đối với những chủng loại chịu thuế xuất khẩu. Trong khi đó, thuế xuất khẩu cao su được đặt ra trong thời kỳ giá cao su xuất khẩu lên đỉnh điểm 4.562 USD/tấn vào tháng 2/2011 và duy trì cho đến nay.
Tóm lại, sau khi “kêu khổ”, Hiệp hội Cao su kiến nghị Bộ Tài chính xem xét “cho tạm ngưng hoặc miễn thuế xuất khẩu” mặt hàng cao su thiên nhiên.
“Đầu tàu” xin, “toa tàu” cũng xin
Viettel cho đến trước vụ “xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm” vẫn được biết đến như một “nồi cơm” của nền kinh tế với doanh thu và lợi nhuận hàng vạn tỷ đồng, “đầu tàu” ngành công nghệ viễn thông Việt Nam.
Thế nhưng, dù với những lý do rất riêng, rốt cuộc rồi “ông lớn” này cũng xin cắt giảm nghĩa vụ đóng góp đối với ngân khố quốc gia. Như PLVN đã đưa, văn bản do Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Viettel ký, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa cho công ty mẹ - Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ.
Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017; đồng thời xin áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Vấn đề” của Viettel được giải thích là do đang có sự bất bình đẳng giữa thuế suất áp với sản phẩm của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhập khẩu. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là 0%, trong khi thuế suất nhập khẩu linh kiện phục vụ cho ngành sản xuất trong nước lại ở mức cao đến 25%.
“Nguyện vọng” của Viettel dầu sao vẫn còn chưa biết có được đáp ứng hay không, nhưng một “đầu tàu” khác thì đã “thỏa nguyện” việc gia hạn nghĩa vụ nộp thuế. Đó là trường hợp Trường Hải Ô tô - doanh nghiệp được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp sản xuất ô tô nội địa.
Như chúng tôi đã đưa lấy lý do “khó khăn đặc biệt”, Công ty này đã làm đơn xin Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải làm chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong một năm, số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng, kể từ ngày 1/7 năm nay đến ngày 30/6/2014. Đề xuất của Trường Hải được sự đồng thuận của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính, trước khi được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chấp thuận.
Đáng chú ý, ngay sau khi được gia hạn thuế, Trường Hải báo lãi gần 400% so với cùng kỳ 2012. Mức thù lao cho Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng được thông qua với 50 triệu đồng/tháng. Gần đây nhất, ngày 29/8 doanh nghiệp này thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào 12/9 tới đây để trả cổ tức năm 2012 bằng tiền tỷ lệ 10%, việc chi trả sẽ được thực hiện ngay những ngày cuối tháng 9. Với vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, Trường Hải sẽ phải bỏ ra 325 tỷ đồng trả cổ tức, tương đương 1/4 số thuế được gia hạn!
Tùng Sơn