UBND TP Đà Nẵng đề xuất phương án kêu gọi đầu tư đối với các khu bến cảng nằm trong quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch), thay cho phương án kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động như trước đây.
Theo tờ trình, bến cảng và kết cấu hạ tầng cảng biển Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) bao gồm 8 bến container, tổng chiều dài neo đậu 2.750m (cho tàu từ 50.000DWT đến 200.000DWT), 6 bến tổng hợp, hàng rời với tổng chiều dài neo đậu 1.550m; bến cho tàu SB dài 1.230m…
Tổng vốn đầu tư dự kiến của phần bến cảng và kết cấu hạ tầng cảng biển (phần kêu gọi đầu tư) là hơn 48.304 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030) hơn 23.577 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2031-2037) hơn 16.271 tỷ đồng, giai đoạn 3 (2042-2045) hơn 8.455 tỷ đồng.
Đà Nẵng cho rằng, phương án này sẽ lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực mạnh để đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ các bến cảng theo quy hoạch, đảm bảo được nhiều mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành nơi trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Đồng thời, thực hiện chủ trương chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch theo quy hoạch chung của thành phố, nhằm giảm áp lực lên hệ thống giao thông nội thành.
Phương án này cũng thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thương hiệu về cảng, nhằm hình thành một trung tâm cảng biển, logistics của cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển.
Phương án đầu tư một lần sẽ giải quyết các bất cập trong việc kêu gọi đầu tư từng phần như một số dự án cảng biển tương tự đã triển khai trong thời gian qua…
Được biết, dự án cảng Liên Chiểu gồm 2 thành phần, phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã tổ chức khởi công từ tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.