Những người bị hại đã khóc và nhảy lên hoan hô ngay tại tòa vì sau bao năm chờ đợi, công lý cũng đã được thực thi. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia châu Phi bị xét xử tại một quốc gia khác. Theo quy định, ông Hissène Habré có 15 ngày để kháng án.
Phiên tòa chuẩn bị 16 năm
Phiên tòa xét xử ông Hissène Habré đã bắt đầu từ hôm 20/7/2015, nhưng để có được phiên tòa này, đã phải trải qua 16 năm đấu tranh tư pháp và điều tra. Lúc đầu việc xét xử đã nhiều lần bị gián đoạn bởi bị cáo cự tuyệt hợp tác do nghi ngờ về tính chính danh của tòa án này.
Tuy nhiên, cuối cùng việc xét xử đã được thực hiện. Tòa đã xét xử trong 56 ngày, qua 2.500 lần xét hỏi, nghe lời khai của 93 nhân chứng trước khi phán quyết.
Tòa đã buộc tội Habré tổ chức và lãnh đạo một trong những chính quyền tàn bạo nhất trong lịch sử ở châu Phi, lực lượng cảnh sát mật của ông ta đã tra tấn và ngược đãi hơn 12.300 người, đày đọa đến chết hơn 1.200 người; ông Habré phải chịu trách nhiệm về cái chết và sự mất tích của hơn 40 ngàn người Chad trong thời gian ông ta nắm quyền từ 1982 đến 1990.
Hissène Habré |
Ông Habré sinh năm 1942 tại miền Bắc Chad, từ nhỏ đã thông minh lanh lợi nên tuy chỉ có trình độ tiểu học nhưng đã được chính quyền thực dân nhận vào làm việc rồi được đưa qua Pháp đào tạo.
Năm 1971, Habré đỗ bằng cử nhân chính trị ở Paris rồi trở về Chad trong lúc tình hình đất nước rất hỗn loạn: năm 1960 Chad giành được độc lập, 2 năm sau, François Tombalbaye – một người được Pháp ủng hộ lên làm Tổng thống sau cuộc bầu cử.
Tuy nhiên sau khi nắm quyền, Tombalbaye ra sức đàn áp các đảng phái khác và nhượng bán một phần lãnh thổ của Chad cho Lybia khiến dân chúng oán hận, nhiều cuộc bạo động vũ trang nổ ra khắp nơi khiến chính phủ bị lung lay dữ dội.
Tranh giành quyền lực
Sau khi về nước, Habré lập tức tham gia tổ chức vũ trang “Quân đội vũ trang miền Bắc” nổi dậy kiểm soát khu vực rộng lớn. Ngày 21/4/1974, đội quân của Habré đã đánh chiếm Tibesti thủ phủ miền Bắc Chad, bắt cóc một số người Đức và Pháp, gây nên tiếng vang lớn ở trong nước và trên quốc tế.
Ngày 13/4/1975, Félix Malloum Ngakoutou Bey-Ndi, Tư lệnh quân đội làm đảo chính lật đổ Tombalbaye, trở thành Chủ tịch Hội đồng quân sự tối cao, nhưng không được sự ủng hộ của các tổ chức chính trị trong nước. Để vượt qua khủng hoảng, Ngakoutou đã phải mời Habré, người lãnh đạo “Quân đội miền Bắc” hợp tác để cùng lập ra chính phủ mới.
Vì thế, ngày 29/8/1978, Habré đã nhận lời mời đứng ra làm Thủ tướng chính phủ Chad. Tuy nhiên, tuần trăng mật giữa hai người nhanh chóng kết thúc, do mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Tháng 2/1979 cuộc chiến giữa hai lực lượng vũ trang bùng nổ và phần thắng thuộc về Habré.
Tháng 8/1979, được các chính đảng ủng hộ, ông Goukouni Oueddei lên lãnh đạo Chính phủ quá độ đoàn kết toàn quốc Chad, Habré làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, Habré không cam chịu ở dưới người khác nên gây hấn với Oueddei.
Từ tháng 3/1980 cuộc nội chiến bùng nổ giữa lực lượng hai bên. Được Mỹ và Pháp ủng hộ, Habré đã đánh bại quân đội của Oueddei với sự hậu thuẫn của Lybia rồi thành lập chính phủ mới và lên làm Tổng thống.
Cai trị hà khắc
Sau khi lên làm Tổng thống, để đề phòng sa vào cảnh ngộ của 2 đời lãnh đạo cũ, Habré lập tức bãi bỏ chức thủ tướng vốn có thực quyền, tự mình tổ chức lại quân đội do ông ta khống chế và đàn áp điên cuồng những đảng phái đối lập.
Theo trang mạng nổi tiếng “All Africa.com”, thủ đoạn trừng phạt những người chống đối của Habré và thuộc hạ rất tàn bạo, nhiều người bị bắt và ngược đãi, đánh đập đến chết. Không chỉ bắt bớ, giam cầm, giết hại những người phản đối mình, Habré còn không tha cả người thân của họ. Nếu phát hiện thấy bộ lạc nào có người mà Habré cho là kẻ thù chính trị của mình, ông ta liền thẳng tay tàn sát tất cả.
Ủy ban Sự thật nước Chad thống kê trong thời gian Habre cầm quyền, ở nước này đã có ít nhất 40 ngàn người bị giết, hơn 200 ngàn người bị giam cầm, đánh đập, nhiều người phải bỏ đất nước đi lưu vong.
Không những phải đối phó với những người phản đối trong nước, Habré còn phải đối mặt với sự quay lại của Goukouni Oueddei: Tháng 6/1983, lực lượng của Oueddei được Lybia ủng hộ tấn công chiếm giữ một khu vực rộng lớn ở miền Nam. Lo sợ Lybia thừa cơ đánh chiếm Chad, Mỹ, Pháp và các nước phương Tây đã cung cấp số lượng lớn vũ khí và viện trợ quân sự cho Habré, giúp đánh bật lực lượng của Oueddei.
Tuy giữ được chính quyền, nhưng thực lực của Habré bị suy yếu nghiêm trọng, nhiều bộ lạc bất mãn với chính sách kỳ thị và diệt chủng của Habré tới tấp nổi lên chống lại, trong đó mạnh nhất là lực lượng vũ trang của bộ lạc Zaghawa.
Tháng 11/1990, quân đội của người Zaghawa do Idriss Deby Itno chỉ huy đã đánh bại quân đội của Habré và bao vây thủ đô N'Djamena. Khi đó Mỹ và Pháp đều không ủng hộ Habré nữa mà lo đưa máy bay đến di tản công dân của họ, Quân đội của Habré cũng từ bỏ kháng cự, nộp súng đầu hàng.
Ngày 2/12/1990, chính phủ Habré bị lật đổ hoàn toàn. Cùng ngày thủ đô thất thủ, Habré và những kẻ ủng hộ tháo chạy sang Camerun rồi sang sống lưu vong ở Senegal. Năm 2000, Habré bị khởi tố, nhưng được tòa thụ lý vụ án tha bổng vì cho rằng họ “không có quyền thụ lý vụ việc Habré phạm tội ở nước khác”.
Ngày 17/3/2006, Nghị viện châu Âu yêu cầu Senegal dẫn độ Habré sang Bỉ để xét xử nhưng bị nước này từ chối.
Đền tội
Năm 2007, dưới sức ép của Liên minh châu Phi, chính phủ Senegal đã thành lập Tòa án tội án chiến tranh để xét xử Habré.
Habré bị áp giải ra trước tòa |
Tháng 7/2008, Senegal sửa đổi pháp luật, cho phép tòa án nước này xét xử những người phạm tội ở quốc gia khác từ hơn 10 năm trước.
Ngày 15/8/2008, Tòa án hình sự N'Djamena (Chad) xét xử vắng mặt và tuyên án tử hình Habré về các tội gây nguy hại an ninh quốc gia, nguy hại trật tự Hiến pháp và toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, điều đó chưa khiến Habré đi vào tuyệt lộ, mà vận mệnh của ông ta được quyết định tại Senegal.
Ngày 28/5/2009, chính phủ Senegal tuyên bố cơ quan tư pháp nước họ hoàn toàn đủ khả năng xét xử cựu Tổng thống Chad Habré. Họ dự tính chi phí cho việc xét xử tốn ít nhất 18 tỷ Franc châu Phi (CFA), tức 36 triệu USD với thời gian 3 năm.
Ngày 30/6/2013 Habré bị hiến binh Senegal bắt tại nhà riêng ở thủ đô Dakar để chuyển giao cơ quan tư pháp giam giữ, sau đó chuyển tới Tòa án đặc biệt châu Phi xét xử…