Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton: Thoát hiểm “vụ nghi án” email

Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet
(PLO) - Ngày 6/7/2016, vụ bê bối thư điện tử cá nhân của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton chính thức khép lại khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố không truy cứu trách nhiệm hình sự bà Clinton trong vụ việc này. 

Sự kiện trên cùng với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc vận động tranh cử của bà Clinton đã tạo thêm nhiều lợi thế cho cựu Ngoại trưởng Mỹ trước thềm bầu cử.

Khép lại “vụ án email”

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch với Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cùng các công tố viên và đặc vụ, những người tham gia cuộc điều tra về việc bà Clinton sử dụng thư điện tử (email) cá nhân trong thời gian còn là Ngoại trưởng Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức tuyên bố không truy cứu trách nhiệm hình sự bà Clinton trong vụ việc này. Cùng với bà Clinton, không có bất kỳ cá nhân nào khác bị truy cứu trách nhiệm trong vụ bê bối thư điện tử cá nhân này. 

Trước đó, Giám đốc FBI James Comey đã công bố kết quả điều tra vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân để gửi và nhận thông tin mật trong thời gian giữ vai trò Ngoại trưởng Mỹ của bà Clinton ở nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama. 

Theo kết quả điều tra, bà Clinton đã sử dụng các máy chủ khác nhau và nhiều thiết bị di động để trao đổi email cá nhân và công việc. Sau khi rà soát hơn 30.000 email và những dữ liệu thu thập được, FBI cho rằng không có lý do gì để khởi tố vụ việc này. Ông Comey cho biết, các điều tra viên không tìm thấy bằng chứng là bà Clinton đã cố tình xóa bất kỳ email nào liên quan đến công việc, đồng thời khẳng định cựu Ngoại trưởng Clinton và các trợ lý không cố ý vi phạm các quy định pháp luật về việc bảo mật thông tin, dù có những bằng chứng cho thấy họ đã “vô cùng bất cẩn” trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm và có độ bảo mật cao. Theo ông Comey, trong số các email bị điều tra có 50 email thuộc loại mật và 8 email thuộc loại tối mật. 

Như vậy, cuộc điều tra kéo dài một năm của FBI về vụ bê bối thư điện tử cá nhân của bà Clinton đã chính thức khép lại, giúp cựu Ngoại trưởng Mỹ trút bỏ một mối đe dọa lớn đối với chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng.

Obama “góp tay” vận động tranh cử

Quyết định không khởi tố của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cựu Ngoại trưởng H.Clinton và Tổng thống Barack Obama lên đường đến thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina để vận động tranh cử. Đây là lần đầu tiên Tổng thống B.Obama tham gia vận động giúp ứng cử viên của đảng Dân chủ kể từ khi chiến dịch tranh cử năm 2016 khởi tranh tới nay. 

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ, Tổng thống B.Obama tuyên bố ông sẵn sàng “trao quyền trượng” lãnh đạo nước Mỹ cho bà Hillary Clinton, người từng giữ cương vị Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tổng thống B.Obama cho biết, ông tự hào về thời gian cùng làm việc với bà Hillary và đây là ứng cử viên xứng đáng nhất để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông Obama cũng chỉ trích khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khi khẳng định rằng “Nước Mỹ đang thật sự vĩ đại”. 

Về phần mình, ứng cử viên Hillary Clinton tuyên bố bà “sẽ xây dựng tầm nhìn cho nước Mỹ, điều Tổng thống Obama luôn nỗ lực theo đuổi”. Cuộc vận động tranh cử chung này ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, song đã phải hoãn lại sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ ngày 11/6 tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Giới phân tích cho rằng, đảng Dân chủ hiện coi North Carolina là một trong những “bang chiến địa” quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11 tới. Trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Obama đã giành thắng lợi tại bang này, nhưng lại thất bại sít sao trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 năm 2012. 

Theo giới chuyên gia, khoảng cách hiện nay giữa hai ứng cử viên này có thể còn cao hơn do các cuộc thăm dò trên được tiến hành trước khi FBI công bố kết quả điều tra về vụ bê bối sử dụng hòm thư cá nhân trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng của bà Hillary Clinton. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của bà Clinton suốt từ những ngày đầu vận động tranh cử.

Dù khoảng cách giữa hai ứng viên liên tục thay đổi trong các cuộc thăm dò gần đây nhưng tất cả đều cho thấy ông D.Trump đang ở trong một giai đoạn đầy khó khăn, khiến uy tín của ông suy giảm. Điều này thể hiện rõ qua việc ông D.Trump sa thải người điều hành chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski, cùng những khó khăn trong vận động tài chính và một số phát biểu gây tranh cãi liên quan tới vấn đề chủng tộc. Trong khi đó, gần một nửa số người ủng hộ bà Clinton cho biết lý do bỏ phiếu cho cựu Đệ nhất phu nhân là vì không muốn ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. 

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.